Hội thảo Thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

Hội thảo Thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hội thảo diễn ra 01 ngày (24/12/2018), tại Khách sạn Mường Thanh 78 Thợ Nhuộm- Hoàn Kiếm Hà Nội, do Cục xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Châu Á- Châu Phi, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức; Đoàn công tác của tỉnh Sơn La gồm: Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Công Thương làm trưởng Đoàn, Trưởng Phòng và Chuyên viên phòng HTQT - XNK và đại diện của một số Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, hoa quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tham gia Hội thảo.

 

Bà Doãn Thị Thu Thủy Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại

 phát biểu khai mạc Hội Thảo

Hội thảo nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật, thương mại, tăng cường khả năng xuất khẩu qua con đường chính ngạch những mặt hàng có thế mạnh sang thị trường Trung Quốc.

Nâng cao nhận thức, đồng thời giải đáp những vướng mắc đối với các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc

Hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Kim ngạch hai chiều của hai quốc gia luôn có những đột biến - nhiều lần vượt các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Với những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và giàu tiềm năng của Việt Nam. 

Những năm gần đây, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng cách nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc đã và đang được kéo giảm đáng kể, từ con số thâm hụt thương mại hơn 28 tỷ đô la Mỹ (USD) năm 2016 xuống còn 22,765 tỷ USD trong năm 2017. Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 11 năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 97,25 tỷ USD, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 37,66 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập khẩu 59,59 tỷ USD, tăng 12,7%. Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định với kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây tăng trung bình trên 20%/năm.

Trung Quốc thị trường lớn, đa dạng và lợi thế cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Các chuyên gia có ý kiến về thị trường Trung Quốc, Là thị trường rất lớn, đa dạng. Trung Quốc có 32 tỉnh, thành phố và mỗi địa phương này với quy mô dân số rất lớn có thể coi là một thị trường riêng lẻ (có nhu cầu, sở thích khác nhau) như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người). Đối với những tỉnh phát triển về kinh tế công nghiệp, thành phố, đô thị thu nhập ở mức rất cao, thu nhập bình quân người ngày càng cao như Quảng Đông 11.034 USD, Giang Tô 14.361 USD, Sơn Đông 10.245 USD, Chiết Giang 12.635 USD (Một số tình vùng khó khăn khoảng 3 - 4 nghìn USD). Về nhu cầu tiêu dùng như Sơn Đông, Hà Nam, Quảng Đông một số tỉnh này có nhu cầu về Trà (văn hóa Trà) nhưng không thích cà phê rang say (pha phin), mấy năm lại đây đã có nhu cầu cà phê hòa tan (G7) của giới trẻ… Quảng Tây và Vân Nam có nhu cầu tiêu dùng như Phía Bắc Việt Nam, 2 tỉnh này dự báo vẫn là các địa phương nhập khẩu chủ yếu các loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam trong thời gian tới.

Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng như gạo, sắn và các sản phẩm sắn, cao su, chè, rau quả nhiệt đới. Các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản luôn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Nông sản như gạo, sắn (sắn củ, sắn khô, tinh bột sắn) các loại rau quả, trong đó các sản phẩm thủy sản rất lớn (Sơn La có Sắn, Ngô).

Danh mục nhập khẩu chính ngạch sản phẩm quả của Trung Quốc năm 2018 có 8 chủng loại hoa quả được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu đó là: thanh long, dưa hấu, vải thiều, nhãn, xoài, chôm chôm, chuối, mít (Sơn La có 04 loại quả: thanh long, nhãn, xoài, chuối);

 Hiện Việt Nam đang đàm phán thêm các sản phẩm: na, chanh leo, bưởi, măng cụt và quả roi (Sơn La có 03 loại quả: na, chanh leo, bưởi),

Theo đánh giá của các chuyên gia, dư địa để phát triển xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc còn rất nhiều và dự báo xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Trong đó, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tiềm năng của các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản và rau quả.

Một số thông tin mới nhất về các rào cản kỹ thuật và khuyến cáo đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc

 Về rào cản kỹ thuật của Trung Quốc: Bắt đầu siết chặt hơn các quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nông sản; yêu cầu hàng hóa trên bao bì phải ghi rõ loại hàng, quy cách, hàm lượng, ngày sản xuất... nếu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu; Bên cạnh đó, khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, khuyến nghị, doanh nghiệp cần đăng ký thương hiệu sản phẩm với cơ quan chức năng của Trung Quốc; thông qua hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh thương vụ và Văn phòng Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đặt tại Trung Quốc, cũng như các cơ quan Thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp và có uy tín tại Trung Quốc. Vì vậy các doanh nghiệp phải thông qua cơ quan (Bộ nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam) đăng ký danh sách doanh nghiệp sản xuất, các chứng thực về cơ sở sản xuất, đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật... đăng ký với cơ quan Hải quan Trung Quốc.

Riêng sản phẩm sắn, tinh bột sắn: Cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Trung Quốc chưa thông qua Chính phủ Việt Nam để đăng ký danh sách doanh nghiệp sản xuất với cơ quan Hải quan Trung Quốc. Do vậy, bắt đầu từ ngày 15/11 mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan. từ ngày 15/11, tại khu vực cửa khẩu Na Hình, Hữu Nghị (Lạng Sơn), yêu cầu phải có bao bì, trên bao bì phải ghi rõ loại hàng, quy cách, hàm lượng, ngày sản xuất...Đăng ký với cơ quan Hải Quan Trung Quốc nếu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu. Riêng mặt hàng sắn, Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc để lùi thời hạn thi hành quy định này để doanh nghiệp chuẩn bị.

Kết nối cho Doanh nghiệp, HTX Sơn La trong việc xúc tiến xuất khẩu nông sản và đăng ký bảo hộ thương hiệu : Bên Lề Hội thảo, Sở Công Thương đã liên hệ trước với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu tạo điều kiện để Công ty TNHH Mạnh Thắng Mai Sơn (về chế biến nấm linh chi, dược liệu ra sản phẩm theo yêu cầu khách hàng của Trung Quốc), Công ty chế biến tinh bột sắn BHL, Công ty TNHH Trường Mai (xuất khẩu sản phẩm sắn), Công ty TNHH cà Phê Sơn la, HTX Bích Thao (xuất khẩu cà phê hòa tan, cà phê rang say) , các HTX nhãn chín muộn, Bảo Minh, Hoàng Tuấn ( xuất khẩu sản phẩm quả thanh long, xoài, nhãn thông qua đại diện của Công ty CP Hapro, GreenPath xuất khẩu sản phẩm nông sản Sơn La tham gia Hội thảo) làm việc trực tiếp với các Cục và có sự hiện diện của một số khách hàng là người của Trung Quốc (khách mời không chính thức của Hội Thảo). Kết quả khách hàng đã đến cơ sở sản xuất tại Sơn La (trên địa bàn huyện Mai Sơn) để thỏa thuận, thương thảo liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Hướng dẫn Công ty TNHH Mạnh Thắng Mai Sơn đăng ký mã vạch sản phẩm, mã Qrcod, tư vấn sử dụng bao bì, tem nhãn theo yêu cầu thị trường Trung quốc và yêu cầu của Công ty hoạt động thương mại điện tử của Trung Quốc.

            Một số khuyến nghị với các Doanh nghiệp, HTX sản xuất, xuất khẩu:

Khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ thị trường, đặc biệt là những quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc một số nội dung sau: 

Các doanh nghiệp, HTX cần xác minh thực lực và uy tín của doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức internet. Mặt khác, doanh nghiệp phải luôn cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của các địa phương của Trung Quốc; Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm định động, thực vật (SPS) của thị trường Trung Quốc.

Thay đổi cách tiếp cận an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Đồng thời, nâng cao nhận thức người sản xuất, chất lượng và an toàn hơn. Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng (PPP).

Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm bảo đảm an toàn trong toàn bộ chuỗi cung. Qua đó, xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài; các kênh phân phối.

Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài; các kênh phân phối. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh… thì khi xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo nhiều yếu tố quan trọng khác như đăng ký thương hiệu sản phẩm với cơ quan chức năng của Trung Quốc; phải tìm kiếm các đối tác phù hợp và có uy tín tại Trung Quốc...

Năm 2019, sẽ có rất nhiều thay đổi về quy định về xuất, nhập khẩu của các nước sau khi các Hiệp định song phương, hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, thuế quan xuất, nhập khẩu có nhiều lợi thế và các nước sẽ áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật, trong đó có Trung Quốc, đòi hỏi với người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải luôn cập nhật thông tin về Luật Ngoại Thương, các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa, hiểu Luật thương mại của Trung Quốc và các hiệp ước thương mại tự do giữa Việt Nam - Trung Quốc, kết quả các đàm phán thương mại về xuất nhập khẩu nông sản. Vì vậy các cấp chính quyền, các sở ngành chức năng cần quan tâm một số nội dung như sau:

Cần tổ chức hội thảo, tập huấn 1 Quý 1 lần về thông tin các quy định mới, về rào cản kỹ thuật, chính sách mới của Trung Quốc, chính sách của từng Tỉnh nhập khẩu, tập huấn các quy trình lập hồ sơ sản phẩm xuất khẩu, đăng ký danh sách cơ sở sản xuất, chế biến… nâng cao nhận thức về sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu chính ngạch cho các đối tượng có liên quan đến xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La (mời các chuyên gia, thương vụ, các Cục của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu, các khách hàng đến Sơn La truyền tải, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các yêu cầu cho từng loại quả xuất khẩu cho từng thị trường, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế của Tỉnh tiếp cận thông tin, trao đổi, mua bán hàng hóa, liên kết sản xuất, tiêu thụ).

          Rà soát lập danh sách đề nghị các Cục quản lý chuyên ngành, của Bộ, để Bộ đăng ký danh sách đơn vị sản xuất nông sản xuất khẩu của Sơn La với Cục Hải Quan Trung Quốc (theo đúng quy định của Trung Quốc);

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như: đăng ký mã doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, mã truy suất nguồn gốc sản phẩm (mã QRCode); Hỗ trợ tiếp cận thông tin thông qua các Vụ, Cục của Bộ Công Thương để liên lạc, làm việc với Thương vụ Việt Nam thường trú tại Trung Quốc để biết thêm các ưu đãi hỗ trợ kỹ thuật, thuế và các khoản chi phí v.v.v.

Hỗ trợ đăng ký báo hộ nhãn hiệu sản phẩm với cơ quan quản lý của Trung Quốc (Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc); Lựa chọn, hướng dẫn các hộ gia đình, HTX, Doanh nghiệp sản xuất (sản xuất sản phẩm, sản xuất dụng cụ, bao bì), sơ chế, chế biến nông sản xuất khẩu về hồ sơ (Cơ sở sản xuất, địa điểm, diện tích, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, công nghệ), nhật ký quy trình sản xuất và đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, để đề nghị các Cục có chức năng giám sát của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương cấp các giấy suất xứ hàng hóa (C/O), các giấy đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu và quy định của Trung Quốc cho nông sản sản xuất trên địa bàn. Các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất Tiếp cận với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nông dân liên kết chuỗi sản xuất – xuất khẩu nông sản, để sản phẩm luôn đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm của thị trường Trung Quốc. Tạo điều kiện các doanh nghiệp sản xuất, các thương nhân Trung Quốc đến Sơn La trao đổi, liên kết, hợp tác phát triển kinh doanh./.

 

ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC

Đăng nhập
Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương tỉnh Sơn La 
Địa chỉ: Khu trung tâm hành chính tỉnh - khu quảng trường tây bắc, thành phố Sơn La tỉnh Sơn La
Điện thoại: 0212.3852268 - Email: sct@sonla.gov.vn
Giấy phép xuất bản số: Số 06/GP- TTĐT, ngày 13/10/2016 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Sơn La
Designed by VNPT
 Chung nhan Tin Nhiem Mang