Hoạt động khuyến công tăng giá trị sản xuất công nghiệp

Trong 5 năm (2016-2020), được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, hoạt động khuyến công tỉnh Sơn La đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt chương trình, kế hoạch khuyến công kế hoạch phát triển công nghiệp, các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến khích phát triển công nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời triển khai đầy đủ các văn bản của Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Công thương về lĩnh vực khuyến công trên trang thông tin điện tử của Sở Công thương; mở chuyên mục tuyên truyền trên Báo Sơn La, Đài PT- TH Sơn La về chính sách khuyến công, các mô hình áp dụng đề án khuyến công, các cuộc bình chọn, tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp… qua đó đã thu hút được nhiều độc giả truy cập, theo dõi.

Với nguồn kinh phí khuyến công từ Trung ương và địa phương được giao từ năm 2016-2020 là hơn 7,7 tỷ đồng, Sở Công thương đã triển khai các đề án, chương trình, như: Hỗ trợ đào tạo nghề cho 230 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho 150 cán bộ của các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng 1 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 16 cơ sở; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu cho 28 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức 2 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (2017, 2019); tổ chức 2 hội nghị kết nối cung cầu trong khu vực tại tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công;hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công…

Bên cạnh đó, để các dự án khuyến công trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng tiến độ, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao, Sở Công thương luôn thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi thực hiện các dự án khuyến công, qua đó đã nắm bắt được tình hình các cơ sở CNNT, nhu cầu thực hiện các nội dung của chương trình khuyến công để đề xuất các nội dung thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời có ý kiến với các địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp mới đầu tư, đồng thời kịp thời điều chỉnh đối với các dự án chậm triển khai.Qua đó, hoạt động khuyến công đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu và tạo động lực đầu tư có hiệu quả vào hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn, tạo sức lan tỏa từ chính sách khuyến công đối với nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn. Điển hình qua các đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn để mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng số tiền hơn 18,5 tỷ đồng. Những kết quả đạt được qua các đề án,chương trình hỗ trợ hoạt động khuyến công đã có tác động tích cực, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20,3% so với năm 2015, ước tăng trưởng bình quân 3,8%/ năm.

Một trong những hoạt động khuyến công nổi bật của phải kể đến việc triển khai xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và các sản phẩm OCOP tại Bảo tàng tỉnh Sơn La. Năm 2020, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp về những khó khăn trong công tác phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công Thương) đã phối hợp xây dựng điểm trưng bày để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặt tại Bảo tàng tỉnh, bởi đây là nơi có nhiều du khách đến tham quan, thuận lợi cho việc quảng bá sản phẩm. Tổng kinh phí 140 triệu đồng (bao gồm chi phí trang thiết bị hỗ trợ trưng bày và trang thiết bị quản lý hỗ trợ giới thiệu quảng bá sản phẩm) được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Sở Công Thương.Hiện nay, điểm trưng bày đã tập hợp, trưng bày 228 sản phẩm gồm: Chè, cà phê, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ nông sản như hoa quả sấy, mứt và các loại siro, đồ dùng gia đình được làm từ tre, gỗ... của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh,  thu hút nhiều khách tham quan, mua sắm.Việc xây dựng điểm trưng bày không chỉ giúp cho các doanh nghiệp có địa điểm, không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, còn giúp Bảo tàng tỉnh có thêm hình thức dịch vụ mới, tiêu thụ các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những năm qua, hoạt động khuyến công tỉnh Sơn La còn nhiều tồn tại hạn chế, như: Các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn tài chính hạn chế do đó thường đầu tư cầm chừng, chậm tiến độ ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch khuyến công. Đã có những đề án phải đề nghị tạm dừng, điều chỉnh tiến độ hoặc trả lại vốn hỗ trợ cho Ngân sách Nhà nước. Nhận thức của nhiều người dân, doanh nghiệp mặc dù đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ nhất là việc chuyển đổi từ kinh tế hộ gia đình sang doanh nghiệp do đó chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghệ hiện đại, quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra, các sản phẩm CNNT trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi thị trường đầu vào, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc đã dẫn đến chậm tiến độ và giảm năng lực sản xuất.Đội ngũ cán bộ của Trung tâm khuyến công còn thiếu, cán bộ phụ trách công tác khuyến công tại phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố là kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.

Khắc phục tồn tại hạn chế thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công trong giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương Sơn La đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung tăng cường dịch vụ tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích giúp đỡ kịp thời cho các cơ sở CNNT trong quá trình lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, triển khai đầu tư sản xuất; lựa chọn và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và hiệu quả.Xây dựng kế hoạch khuyến công từ cơ sở cần bám sát vào kế hoạch phát triển KT -XH của địa phương hằng năm và từng giai đoạn để triển khai thực hiện đúng tiến độ, mục đích và đạt hiệu quả cao; chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công thông qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện 9 nội dung của Nghị định 45/2012/NĐ-CP về hoạt động khuyến công. Cụ thể hoá bằng các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất CNNT. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trên website của Sở Công Thương, trên cổng thông tin điện tử của Trung tâm Khuyến Công và tư vấn phát triển công nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp.Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, nhãn mác, mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú... phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.Củng cố kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức trực tiếp thực hiện các hoạt động khuyến công song song với việc phát triển mạng lưới cộng tác viên sâu rộng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tích cực đi công tác cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ sở công nghiệp nông thôn nhằm đề xuất chương trình hỗ trợ cho các cơ sở phù hợp với quy định của Nhà nước. Tích cực trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về chuyên môn, về việc xây dựng triển khai các đề án khuyến công của các tỉnh bạn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động khuyến công.Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, đề xuất những chính sách như hỗ trợ vốn vay, lãi suất vay, hỗ trợ dịch vụ hành chính công… nhằm duy trì, phát triển sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn.

Cầm Hồng Hạnh - Trung tâm khuyến công & Tư vấn PTCN

ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC

Đăng nhập
Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương tỉnh Sơn La 
Địa chỉ: Khu trung tâm hành chính tỉnh - khu quảng trường tây bắc, thành phố Sơn La tỉnh Sơn La
Điện thoại: 0212.3852268 - Email: sct@sonla.gov.vn
Giấy phép xuất bản số: Số 06/GP- TTĐT, ngày 13/10/2016 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Sơn La
Designed by VNPT
 Chung nhan Tin Nhiem Mang