Nội dung cơ bản của Luật Dữ liệu năm 2024, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025

Ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Dữ liệu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 (Luật số 60/2024/QH15). Đây là Luật Dữ liệu đầu tiên của Việt Nam. Trong bối cảnh cả nước đang hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, Luật Dữ liệu được xem là nền tảng pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân trong không gian mạng.

Việc ban hành Luật Dữ liệu là yêu cầu cấp thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại trong quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu. Luật này sẽ tạo ra một khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, thúc đẩy việc ứng dụng dữ liệu vào quản lý nhà nước và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Mục đích xây dựng luật nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội;phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Bố cục của Luật Dữ liệu năm 2024 có 05 chương, 46 điều:

Chương I (Những quy định chung) gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10), quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng Luật Dữ liệu; nguyên tắc xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; chính sách của nhà nước về dữ liệu; hợp tác quốc tế về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; xây dựng, phát triển dữ liệu trong các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II (Xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu quốc gia) gồm 19 điều (từ Điều 11 đến Điều 29), quy định về: Thu thập, tạo lập dữ liệu; bảo đảm chất lượng dữ liệu; phân loại dữ liệu; hoạt động lưu trữ dữ liệu; quản trị, quản lý dữ liệu; truy cập, truy xuất dữ liệu; kết nối, chia sẻ, điều phối dữ liệu; cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước; phân tích, tổng hợp dữ liệu; xác nhận, xác thực dữ liệu; công khai dữ liệu; mã hóa, giải mã dữ liệu; chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu; xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu; các hoạt động khác trong xử lý dữ liệu; bảo vệ dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.

Chương III (Xây dựng, phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia) gồm 09 điều (từ Điều 30 đến Điều 38), quy định về: Cơ sở hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia; trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; cung cấp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; phí khai thác, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý.

Chương IV (Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu) gồm 05 điều (từ Điều 39 đến Điều 43), quy định về: Sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu; sàn dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn dữ liệu.

 Chương V (Điều khoản thi hành) gồm 03 điều (Điều 44 đến Điều 46), quy định về: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp. Theo đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về dữ liệu nói riêng, Luật Dữ liệu đã quy định sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 01 về Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí để bổ sung (1) Phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; (2) Phí khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Có thể thấy, việc ban hành Luật Dữ liệu là một bước đi quan trọng và cần thiết trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo hiệu quả sử dụng thông tin, tăng cường minh bạch, và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tin liên quan

Đăng nhập
Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương tỉnh Sơn La 
Địa chỉ: Khu trung tâm hành chính tỉnh - khu quảng trường tây bắc, thành phố Sơn La tỉnh Sơn La
Điện thoại: 0212.3852268 - Email: sct@sonla.gov.vn
Giấy phép xuất bản số: Số 31/GP-TTĐT ngày 04/9/2024 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Sơn La
Designed by VNPT
 Chung nhan Tin Nhiem Mang