Giai đoạn 1955 - 1965

GIAI ĐOẠN 1955 - 1965
Công nghiệp, thương mại miền Bắc thời kỳ khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà

    Thời kỳ 1955-1965 là thời kỳ mà nước Việt Nam sau gần một thế kỷ thuộc địa và hơn một thập kỷ chiến tranh, mới giành được hoà bình ở miền Bắc và bắt tay đặt nền móng đầu tiên cho nền kinh tế độc lập, tự chủ.

    A. Trong lĩnh vực công nghiệp

    I. Giai đoạn khôi phục (1955-1957)

    Công nghiệp miền Bắc sau ngày hoà bình lập lại có mấy đặc điểm đáng lưu ý:

- Trong vùng tự do cũ, hầu hết các nhà máy lớn và quan trọng như Xe lửa Trường Thi, Diêm Bến Thuỷ, Điện Thanh Hoá, Phosphate Hàm Rồng... đều đã bị phá huỷ hoàn toàn hoặc tê liệt hoạt động.

- Trong vùng mới tiếp quản, nhiều nhà máy, hầm mỏ, một số nhà máy bị đình đốn hoặc sản xuất cầm chừng do không có phụ tùng thay thế hoặc thiếu nguyên liệu. Tư bản ngoại kiều và phần lớn các nhà tư sản dân tộc đều đã đi Nam. Nhìn chung, cơ sở công nghiệp Pháp để lại hầu như không có gì. Cả miền Bắc lúc này chỉ vẻn vẹn có 20 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh TW và cũng chừng ấy cơ sở công nghiệp quốc doanh địa phương. Đội ngũ công nhân viên chức có khoảng hơn một vạn người, trong đó 2/3 là công chức, chỉ có 23 kĩ sư công nghiệp.

    Người lao động thất nghiệp tràn lan, riêng vùng đô thị ước chừng có 10 vạn người. Sản lượng công nghiệp giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt, tỷ trọng công nghiệp hiện đại giảm từ 10% năm 1939 xuống còn 1,5% trong tổng sản lượng công - nông nghiệp (tỉ lệ này khi bước vào thời kì khôi phục ở Trung Quốc năm 1949 là 17% và Triều Tiên năm 1954 là 42,4%).

     Trước tình hình đó, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9 -1954 đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là khôi phục sản xuất ngang mức trước chiến tranh, trước hết là sản xuất nông nghiệp, sau là sản xuất công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp sản xuất hàng hoá tiêu dùng, đồng thời phát triển một số ngành công nghiệp nặng cần thiết cung cấp tư liệu sản xuất cho sản xuất nông nghiệp.

    1.1. Quá trình khôi phục và phát triển công nghiệp quốc doanh

    Bước vào giai đoạn khôi phục và xây dựng công nghiệp hiện đại, phương châm là phải dựa vào sức mình là chính, phát động phong trào thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm và học tập rộng khắp, khơi dậy nhiệt tình lao động và phát huy sáng kiến của giai cấp công nhân, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc; mời chuyên gia nước bạn sang hướng dẫn hoặc gửi cán bộ, công nhân đi học tập ở nước ngoài.

    Trong chính sách đầu tư, vốn đầu tư được tập trung cho công nghiệp quốc doanh. Tốc độ tăng vốn đầu tư bình quân hàng năm cho khu vực này trong cả thời kì là 3,6 lần, riêng năm 1957, khối lượng tuyệt đối vốn đầu tư đã tăng gấp 10 lần so với năm 1951.

    Tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trong thời gian này là, cùng với việc khôi phục sản xuất công nghiệp ngang mức trước chiến tranh, cần lo ngay việc xây dựng một số ngành công nghiệp phục vụ cho sản xuất mà trước đây, trong thời Pháp thuộc không có hoặc có nhưng không đáng kể, vì chủ yếu là công nghiệp phục vụ tiêu dùng.

    Kết quả là trong một thời gian ngắn, miền Bắc đã khôi phục về căn bản các nhà máy, xí nghiệp quan trọng.

    Về xây dựng mới, tính tới đầu năm 1957 đã có 7 xí nghiệp xây dựng hoàn thành, 6 xí nghiệp xây dựng gần xong và 5 xí nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Có thể kể các xí nghiệp mới được xây dựng vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ như các nhà máy Chè Phú Thọ, Thuốc lá Thăng Long, Xay sát gạo Hà Nội, Gỗ dán Cầu Đuống, Diêm Thống Nhất, Cá hộp Hải Phòng, một số nhà máy điện...

    Số lượng các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh tăng từ 41 cái (1954) lên 151 cái (1957); trong đó 2/3 là xí nghiệp công nghiệp trung ương và 1/3 là xí nghiệp công nghiệp địa phương.

    Theo đà mở rộng và hiện đại hoá các cơ sở công nghiệp, đội ngũ công nhân công nghiệp quốc doanh cũng tăng từ 20.898 người năm 1955 lên 48.582 người năm 1957, tăng xấp xỉ 2,3 lần, trong đó, công nhân công nghiệp trung ương tăng nhanh nhất, từ 19.598 người lên 45.289 người; tỉ lệ kĩ sư là 0,1%, cán bộ trung cấp là 2%, thợ bậc 5 là 7%.

    Vì thế, chỉ trong vòng 3 năm (1955 -1957) giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng gấp 6,4 lần, từ 34,1 triệu đồng lên 219 triệu đồng, giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp - thủ công nghiệp miền Bắc tăng 269%, từ 310 triệu đồng lên 834 triệu đồng. Công nghiệp quốc doanh chiếm tỉ trọng ngày càng vượt trội trong giá trị sản lượng khu vực công nghiệp hiện đại (từ 41,7% lên 66,6%), góp phần đưa tỉ lệ công nghiệp hiện đại trong nền kinh tế từ 1,5% lên 9,5% (năm 1939 tỷ lệ này là 10%).

    Kết thúc thời kỳ khôi phục, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của miền Bắc đã đạt ngang và vượt mức năm 1939 là năm cao nhất dưới thời Pháp thuộc; trong đó, sản phẩm nhóm A bằng 72% và sản phẩm nhóm B bằng 112% so với năm 1939.

    1.2. Bước đầu xác lập và củng cố hệ thống quản lý mới của công nghiệp

    Theo Nghị định số 91-BCN-QĐ ngày 28/3/1956, Bộ Công nghiệp được tách ra từ Bộ Công Thương, với chức năng quản lí hành chính - kinh tế - kĩ thuật các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh của Ngành, tổ chức điều tra, thăm dò tài nguyên, qui hoạch và đào tạo cán bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong tình hình mới.

    Về quản lí, Chính phủ và Bộ đã ban hành các qui chế và biện pháp quan trọng sau:

- Về quản lí tiền mặt, cho phép xí nghiệp thực hiện tài chính - kế toán độc lập, được mở tài khoản riêng ở ngân hàng và buộc phải gửi tiền mặt, tiền séc vào ngân hàng; ngân hàng thông qua nghiệp vụ nhận gửi và cho vay mà theo dõi, giám sát và quản lí thu - chi cũng như hoạt động sản xuất của xí nghiệp theo kế hoạch (Thông tư số 05-TT-LB của liên Bộ Công nghiệp và Tài chính ngày 21/11/1956).

- Về thuế, bổ sung một số qui định áp dụng thuế doanh nghiệp đối với mọi đối tượng kinh doanh, chỉ miễn trong trường hợp làm nhiệm vụ đặc biệt, nhất là luật phải nộp thuế hàng hoá đối với những hàng hoá đánh thuế, nhằm tăng cường nguồn thu cho ngân sách và thúc đẩy xí nghiệp cải tiến quản lí, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm (Chỉ thị 758-TTg ngày 30/4/1956).

- Ban hành Điều lệ tạm thời về Hợp đồng kinh doanh số 735-TTg tháng 4/1956) nhằm tăng cường liên kết kinh tế và trách nhiệm vật chất đối với việc thực hiện cam kết hợp đồng giữa các xí quốc doanh với nhau và giữa quốc doanh với tư doanh.

- Chính phủ ra Quyết định số 130-TTg ngày 4/4/1957 về việc áp dụng chế độ hạch toán kinh tế nhằm tăng cường sự quản lý tập trung của Nhà nước, đồng thời phát huy tính tích cực của xí nghiệp.

    Về đào tạo, ở tầm quốc gia, bắt đầu xây dựng hệ thống các trường đại học khoa học - kỹ thuật, các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp và dạy nghề do TW quản lí. Bộ Công nghiệp cũng thành lập các trường đào tạo của ngành như, Trường Trung cấp Kỹ thuật II ở Hà Nội đào tạo cán bộ kĩ thuật cho ngành Hoá chất, Địa chất, Mỏ, Giấy, Thực phẩm; Trường Trung cấp Kỹ thuật III ở Nam Định đào tạo cán bộ kĩ thuật cho ngành Dệt. Bên cạnh hình thức đào tạo chính qui, ta cũng chú trọng đào tạo kèm cặp và học tập chuyên gia (vừa học vừa làm). Thời kì này, Nhà nước bắt đầu quan tâm gửi cán bộ, nghiên cứu sinh, lưu học sinh và công nhân kĩ thuật đi đào tạo ở nước ngoài.

    Về công tác điều tra cơ bản, miền Bắc đã tiến hành thăm dò địa chất và khoáng sản, đánh giá tài nguyên 22 mỏ nhằm phục vụ cho việc qui hoạch và kế hoạch phát triển công nghiệp, khảo sát, thiết kế xây dựng mới; đồng thời thu thập, xử lý nhiều tài liệu quý giúp cho việc mở rộng các mỏ cũ. Nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra và khảo sát, Bộ Công nghiệp đã tổ chức một số đội khảo sát, các phòng thí nghiệm khoa học, nghiên cứu thành công nhiều đề tài cải tiến kĩ thuật và chế tạo thành công hơn 20 mặt hàng mới thay thế nhập khẩu.

    1.3. Khuyến khích và sử dụng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân tư bản chủ nghĩa và cá thể, tiểu chủ

    Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân, cá thể cũng là một lực lượng kinh tế quan trọng. Nó chiếm tỉ trọng tuyệt đối trong tổng sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp miền Bắc vào năm 1955: 89%. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân, cá thể hoạt động phần lớn là nhờ vào những ngành nghề truyền thống dựa vào nguồn nguyên liệu địa phương và đáp ứng thị trường tại chỗ, cung cấp một khối lượng lớn hàng hoá tiêu dùng thiết yếu cho đời sống nhân dân và một phần công cụ sản xuất thông dụng. Đặc biệt, giải quyết việc làm và thu nhập cho đông đảo người lao động. Đặt vấn đề khôi phục và sử dụng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân, cá thể là một định hướng đúng.

    Đến năm 1955, miền Bắc có khoảng 150 ngàn cơ sở sản xuất thủ công nghiệp cá thể, tiểu chủ với hơn nửa triệu lao động, sản xuất ra 70% giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tiểu thủ công nghiệp được phân bố vừa tập trung ở các thành phố, thị xã, lại vừa rộng khắp các địa phương trong nông thôn miền Bắc. Phương thức kinh doanh của họ phù hợp với những điều kiện phân tán của sản xuất và thị trường. Những người sản xuất thủ công hoặc đứng độc lập, hoặc liên hệ với nhau trong những phường hội hay trong các làng nghề rất lâu đời như nghề nón Chuông, đúc đồng Ngũ Xã, pháo Bình Đà, tơ lụa Hà Đông, giấy dó Đông Khê, sứ Bát Tràng, rèn Đa Hội, mộc Đồng Kị, sơn mài Đình Bảng...

    Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân, cá thể nhanh chóng được phục hồi. Đặc biệt, các ngành nghề phục vụ cho sản xuất và đời sống của quảng đại nhân dân như mộc, rèn, gò, đúc, nông cụ, gốm sứ, thuỷ tinh, vật liệu xây dựng, may mặc, dệt vải, chế biến thực phẩm, thậm chí cả những ngành phục vụ các nhu cầu tỉ mỉ và đa dạng như làm khăn mặt, áo lót, bít tất, giầy vải, vàng mã, đông dược… Cũng nhờ mậu dịch hướng dẫn sản xuất, thu mua và đại lí kinh tiêu nhằm phục vụ cho xuất khẩu mà các nghề thủ công mĩ nghệ như sơn mài, chạm khảm, thêu ren, đan lát... cũng bắt đầu hoạt động trở lại.

    Nhìn chung, giai đoạn 3 năm khôi phục và phát triển công nghiệp đã kết thúc thắng lợi. Điều này giúp ổn định mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị và xã hội miền Bắc, tạo tiền đề chuyển sang giai đoạn cải tạo và phát triển. Bước đầu hình thành một cơ cấu công nghiệp mới, mang tính chất độc lập, tự chủ và dân chủ nhân dân - nền công nghiệp nhiều thành phần, trong đó công nghiệp quốc doanh và tư nhân, cá thể là những lực lượng quan trọng, cùng hỗ trợ lẫn nhau để phát triển.

    II. Giai đoạn cải tạo và phát triển (1958-1960)

    Nội dung phát triển công nghiệp giai đoạn này là:

- Kết hợp cải tạo và phát triển công nghiệp, lấy cải tạo để giải phóng sức sản xuất trong công nghiệp; chuyển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân, cá thể sang các hình thức công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp tác và hợp tác xã; làm cho quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chiếm vị trí thống trị và phát huy tác dụng thúc đẩy, mở đường cho lực lượng sản xuất trong công nghiệp phát triển;

- Tập trung phát triển công nghiệp nặng đồng thời chú ý phát triển công nghiệp nhẹ, bước đầu hình thành nền công nghiệp hiện đại với cơ cấu khá hoàn chỉnh, bao gồm cả các ngành công nghiệp chế tạo tư liệu sản xuất và sản xuất tư liệu tiêu dùng;

- Kết hợp phát triển công nghiệp quốc doanh trung ương với xây dựng và phát triển công nghiệp địa phương, kết hợp công nghiệp trung ương có qui mô lớn, kĩ thuật hiện đại với công nghiệp địa phương có qui mô vừa và nhỏ, kĩ thuật nửa cơ giới và thủ công, nhằm khai thác các tiềm năng của địa phương và đáp ứng nhu cầu sản xuất - tiêu dùng tại chỗ;

- Đặc biệt chú trọng công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

    2.1. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc doanh

    Kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển công nghiệp có những thuận lợi cơ bản: miền Bắc có các cơ sở công nghiệp quốc doanh quan trọng vừa khôi phục và xây dựng; bước đầu đã có một đội ngũ công nhân và cán bộ khoa học - kĩ thuật cùng những kinh nghiệm quản lí và tổ chức. Đặc biệt, có sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em về chuyên gia, kĩ thuật, đào tạo và vốn liếng.

    Vốn đầu tư cho công nghiệp (đây là công nghiệp quốc doanh) chiếm tỉ lệ 42,2% tổng khối lượng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của khu vực sản xuất (so với thời kì 1955-1957 là 34,7%).

    Trong thời kỳ này, tiếp tục khôi phục và mở rộng nhiều cơ sở công nghiệp đã có, đồng thời xây dựng mới nhiều nhà máy quan trọng.

    Sự phát triển ngành công nghiệp luyện kim được ghi dấu bởi một sự kiện lịch sử mà đối với lúc đó là rất trọng đại: Theo Nghị định số 214-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/6/1959, Ban chỉ huy công trường khu gang thép Thái Nguyên đã được thành lập để triển khai các công việc xây dựng nhà máy gang thép lớn nhất của đất nước có công suất 20 vạn tấn/năm, đợt đầu là 10 vạn tấn/năm. 

    Nhờ duy trì tốc độ phát triển cao (trên 50% hàng năm) trong thời kỳ 1958-1960, vào năm 1960, công nghiệp quốc doanh đạt giá trị sản lượng 840 tr. đồng, bằng 383% giá trị sản lượng năm 1957 và gấp 25 lần giá trị sản lượng năm 1955. Tỷ trọng công nghiệp quốc doanh trong giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp miền Bắc có sự thay đổi đáng kể, từ 34,4% lên 57%.

    Công nghiệp địa phương bắt đầu có sự khởi sắc. Cùng với việc trung ương giao lại một số cơ sở cho địa phương, thì các tỉnh và địa phương cũng dựa vào nguồn lực của mình và một phần hỗ trợ của trung ương để xây dựng thêm nhiều cơ sở mới. Số cơ sở công nghiệp quốc doanh địa phương từ 170 xí nghiệp với 8.152 công nhân năm 1958 lên 546 xí nghiệp với 25.712 công nhân năm 1959 và 722 xí nghiệp với 44.407 công nhân năm 1960. Trong đó, các xưởng, trạm cơ khí chiếm 46%, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 28%, sản xuất phân bón hoá học, thuốc trừ sâu chiếm 5,8%...

    2.2. Tình hình một số ngành công nghiệp chủ yếu

- Điện lực: Là ngành được ưu tiên phát triển và thay đổi tính chất từ ngành công nghiệp tiêu dùng sang ngành sản xuất. Bên cạnh các nhà máy điện cũ được khôi phục và 6 nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện nhỏ được xây dựng trong thời kì trước, trong thời kì 1958-1960, đã xây dựng thêm 5 nhà máy nhiệt điện và 1 nhà máy thuỷ điện cỡ nhỏ và trung, đưa số cơ sở do Bộ Công nghiệp quản lí lên 15, trong đó có 7 cơ sở độc lập và 8 cơ sở trực thuộc các xí nghiệp công nghiệp trung ương. Đồng thời, cũng xúc tiến chuẩn bị điều kiện xây dựng các nhà máy thuỷ điện qui mô trong kế hoạch 5 năm tới. Năm 1960, các nhà máy miền Bắc đã đạt sản lượng điện 256 triệu kWh, bình quân sản lượng điện theo đầu người đạt 15,8 kWh (các chỉ số tương ứng năm 1957 là 121,24 triệu kWh và 8 kWh).

- Cơ khí chế tạo: Sau việc đưa Nhà máy Cơ khí Hà Nội vào hoạt động năm 1957, đã cải tạo nhiều cơ sở cơ khí sửa chữa cũ thành xưởng cơ khí chế tạo, như các nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Gia Lâm, xưởng cơ khí Trường trung cấp Kĩ thuật I, Cơ khí Bộ Kiến trúc, Cơ khí Duyên Hải... Các nhà máy này được tăng năng lực sản xuất và mở rộng chủng loại sản phẩm. Máy móc đạt độ chính xác cấp 3... Ngành Vận tải cũng được mở rộng và xây dựng thêm một số nhà máy cơ khí mới để sản xuất rơ mooc, phụ tùng xe hơi, toa xe lửa, tàu kéo, xà lan, ca nô, tàu nhỏ đánh cá và chuẩn bị đóng tàu thuỷ... Các nhà máy Dệt Nam Định, Xi măng Hải Phòng, Điện Hà Nội, Mỏ than Hồng Gai và Cẩm phả đều có xưởng cơ khí lớn; tại đây, ngoài việc sửa chữa cơ khí, còn nghiên cứu chế tạo máy móc, dụng cụ cho các nhà máy để thay thế nhập khẩu.

    Sản phẩm mới của ngành Cơ khí năm 1960 là: máy cắt gọt kim loại: 799 cái, động cơ điện: 488 cái, xe lăn đường: 10 cái, xà lan các loại với tổng trọng tải: 1.200 tấn, goòng vận tải: 298 cái, máy bơm nước: 71 cái, xe đạp: 23.110 cái, săm lốp xe đạp: 12.000 chiếc, ngoài ra đang nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp như máy gieo hạt, máy gặt, máy cày 2 bánh 2 lưỡi...

- Ngành Luyện kim và khai khoáng với sự giúp đỡ của Trung Quốc, đã bắt đầu khởi công xây dựng Nhà máy Liên hợp Gang thép Thái nguyên. Đã đưa vào sử dụng ba lò cao nhỏ (Cọc 5, Hà Giang, Thanh Hoá) công xuất nấu gang 1.000 tấn/năm. Về sản xuất thép, ngoài lò đúc thép ở Nhà máy Cơ khí Hà Nội, đã nghiên cứu xây dựng lò cao dung tích 30 m3 và những lò nhỏ ở địa phương. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, đã khôi phục mỏ thiếc Tĩnh Túc từ sau hoà bình và đã xây thêm lò phản xạ hiện đại luyện thiếc, tăng chất lượng sản phẩm thiếc từ loại 2, loại 3 lên loại 1. Mở rộng và cơ khí hoá khâu khai thác cho Mỏ Apatít (Lao Cai), đồng thời, chuẩn bị xây dựng nhà máy sấy quặng và làm giầu quặng. Mỏ crômít Cổ Định (Thanh Hoá) được cơ khí hoá dùng sức nước khai thác. Nghiên cứu chế đồng, chì, graphít, ferô, silixiom và các kim loại khác. Hoàn thành thăm dò Mỏ Kẽm Chợ Điền để chuẩn bị xây dựng nhà máy luyện kẽm qui mô lớn. Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu của ngành luyện kim như sau: năm 1959, apatít đạt 260.600 tấn, thiếc: 355 tấn; năm 1960, gang đạt 2.800 tấn, quặng cơrôm: 19.420 tấn.

- Ngành Nhiên liệu: Đã có nhiều tiến bộ trong khâu khai thác than. Các mỏ than quan trọng Hồng Gai, Mạo Khê, Cẩm phả, Làng Cẩm đã được mở rộng. Năm 1959, riêng hai mỏ Hồng Gai và Cẩm Phả đạt sản lượng 2.023.000 tấn (tăng 25,5% so với năm 1939), nhờ thế, sản lượng khai thác các mỏ than tăng nhanh từ 1.080.000 tấn lên 2.570.000 tấn trong thời kì 1957-1960. Mỏ than Na Dương (Lạng Sơn) được xây dựng để cung cấp cho các nhà máy xi măng, thay thế cho than nhiều chất bốc trước đây vẫn phải nhập. Tiến hành thăm dò và phát hiện than mỡ ở Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình để phục vụ cho phát triển gang thép trong các kế hoạch sắp tới.

- Hoá chất - phân bón: Đã đẩy mạnh sản xuất phân phôsphate tự nhiên, đưa sản lượng tăng từ 6.400 tấn lên 51.000 tấn, tức gần 10 lần trong thời gian 1955 -1960. Riêng sản lượng phân hoá học của các cơ sở trung ương đã đạt 22.530 tấn năm 1957 và tăng lên 490.000 tấn năm 1960. Đẩy mạnh xây dựng các nhà máy hiện đại Suppe phôtphat Lâm Thao, Phân lân Văn Điển, Phân đạm Bắc Giang. Vào năm 1960, đã hoàn thành xây dựng một số xưởng sản xuất xút, pôlivilyn, xưởng pin, xưởng dưỡng khí, xưởng làm cứng dầu. ..

- Vật liệu xây dựng: Với sự giúp đỡ của Rumani, Nhà máy Xi măng Hải Phòng được mở rộng và tăng sản lượng gấp đôi, đạt sản lượng 380.000 tấn vào năm 1959. Từ năm 1957-1960, sản lượng xi măng miền Bắc tăng từ 165.100 tấn lên 408.000 tấn. Hoàn thành xây dựng Nhà máy gỗ dán và gỗ xẻ Cầu Đuống vào năm 1958 do Tiệp Khắc giúp đỡ, có công xuất 26.000 m3 gỗ xẻ và 3.000 m3 gỗ dán/năm. Vào giữa năm 1959, Nhà máy Gỗ xẻ Vinh cũng hoàn thành, đưa sản lượng gỗ dán và gỗ lạng miền Bắc lên 321.000 m3 năm 1960. Năm 1959, Nhà máy Gạch chịu lửa Cầu Đuống bắt đầu đi vào sản xuất gạch silích và gạch alumin. 2 xưởng bê tông đúc sẵn ở Hà Nội và Hải Phòng đã đi vào sản xuất, phục vụ cho việc thi công nhà ở theo phương pháp lắp ghép hiện đại.

- Về Công nghiệp nhẹ sản xuất tư liệu tiêu dùng: Ngay sau hoà bình, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, đã khôi phục và mở rộng Nhà máy Dệt Nam Định trở thành nhà máy dệt cỡ lớn ở Viễn Đông lúc đó, với sản lượng vải 43,3 triệu mét năm 1959 (gấp 2 lần năm 1939). Sau đó, nhờ xây dựng thêm Nhà máy Dệt Hà Nội, đã nâng sản lượng vải của miền Bắc từ 19,5 triệu thước năm 1957 lên 76 triệu thước năm 1960. Ngoài ra, đã xây dựng các nhà máy bao tải Hà Nội, Dệt kim Đông Xuân, khôi phục và mở rộng Nhà máy Len Hải Phòng.

- Ngành Thực phẩm: Cùng với khôi phục Nhà máy Bia - Rượu Hà Nội, đã hoàn thành việc xây dựng các nhà máy chè, cá hộp, thuốc lá, đường, các xưởng mì chính, hoa quả hộp, xưởng giết mổ lợn cơ khí hoá, 10 cơ sở xay xát phục vụ cho nội địa và xuất khẩu. Nhà máy đường hiện đại Vạn Điểm (Hà Nam) được khởi công và hoàn thành vào năm 1961. Ngoài ra, còn phát triển các cơ sở sản xuất nước mắm, cá khô, bánh mứt kẹo, đường mật... sản xuất theo phương pháp thủ công. Sản lượng một số sản phẩm thực phẩm trong thời kì 1957-1960 tăng như sau: đường kính từ 300 tấn lên 4.000 tấn, nước mắm từ 20,8 triệu lít lên 29,6 triệu lít, thuốc lá từ 30,4 triệu bao lên 81,6 triệu bao...

- Ngành Tạp phẩm: Cộng hoà dân chủ Đức giúp xây dựng nhà máy thuỷ tinh hiện đại ở Hải Phòng. Trung Quốc giúp xây dựng Nhà máy Sứ Hải Dương và Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Khôi phục và trang bị hiện đại cho Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, xây dựng thêm Nhà máy Giấy Việt Trì có công xuất 2 vạn tấn/năm, nhờ thế, đáp ứng phần lớn nhu cầu giấy viết và giấy in. : Cộng hoà dân chủ Đức còn giúp xây dựng Nhà máy In Tiến Bộ với trang thiết bị hiện đại, có thể in các văn hoá phẩm đạt trình độ mỹ thuật cao. Năm 1960, khánh thành Nhà máy Nhựa Hải Phòng.

    Nhờ những cố gắng trên, sản xuất trong nước đã đáp ứng hầu hết nhu cầu dân cư về các hàng hoá tiêu dùng thông thường. Sản xuất một số sản phẩm chủ yếu vào năm 1960: giấy: 4.600 tấn, đồ thuỷ tinh: 46,5 tấn, đồ sắt tráng men: 1.291 tấn, bút máy và bút chì các loại: 11,8 triệu chiếc, thuốc đánh răng: 1,6 triệu ống...

    2.4. Cải tạo công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân, cá thể theo chủ nghĩa xã hội

    Nếu như trong giai đoạn cách mạng dân tộc - dân chủ trước đây, kinh tế tư nhân, cá thể và tiểu chủ được khuyến khích tự do phát triển, thì trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nó trở thành đối tượng của cách mạng xã hội chủ nghĩa, cần phải cải tạo theo chủ nghĩa xã hội.

    Nghị quyết Hội nghị Trung ương 14 khoá II (11/1958) đã quyết định chủ trương cải tạo công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân tư bản chủ nghĩa, tiểu chủ và cá thể bằng phương pháp hoà bình, thông qua chủ nghĩa tư bản nhà nước và “chuộc lại” có chiếu cố mức lãi suất; áp dụng hình thức công tư hợp doanh đối với xí nghiệp tư nhân tư bản chủ nghĩa và hợp tác hoá đối với tiểu thủ công nghiệp cá thể, tiểu chủ.

    Đến cuối năm 1960, cải tạo công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp căn bản hoàn thành trên miền Bắc. Kết quả, đã chuyển 729 xí nghiệp tư bản tư doanh thành 661 xí nghiệp công tư hợp doanh và 68 xí nghiệp hợp tác. Có 9.481 người làm thuê được chuyển thành công nhân viên các xí nghiệp công tư hợp doanh, 400 người trong số họ được đề bạt chánh phó quản đốc, phân xưởng trưởng và phó. Đa số các nhà tư sản đã tiếp thu cải tạo, một số tư sản và nhân sĩ yêu nước còn xin hiến tài sản, hiến tức cho Chính phủ. Ở Hà Nội có 10 nhà tư sản xin được hiến tức. Một số nhà tư sản tích cực còn được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo mới của xí nghiệp.

    Đồng thời với việc cải tạo tư sản công nghiệp, Nhà nước cũng tiến hành hợp tác hoá tiểu thủ công nghiệp cá thể, tiểu chủ.

    Đến cuối thời kỳ này, hầu hết diêm dân và ngư dân cũng đã vào các tổ hợp tác và hợp tác xã ngư nghiệp và làm muối.

Các nguyên tắc và phương châm cải tạo tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp của Đảng không được tuân thủ đúng đắn, có những sai phạm và còn gò ép, áp đặt, chạy theo thành tích... làm cho nông dân thiếu tin tưởng, một số xã viên xin ra khỏi hợp tác xã. Nguyên nhân là ở chỗ phong trào hợp tác hoá còn nóng vội, vi phạm nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi, không nắm vững phương châm: tốt, vững, gọn, chưa tìm ra hình thức quản lý hợp tác xã thích hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

    Trong cải tạo tiểu thủ công nghiệp và những người buôn bán nhỏ, Đảng và Nhà nước chỉ đạo tiến hành theo các hình thức tổ chức hợp tác khác nhau. Sau hai năm, ngành thủ công nghiệp đã xây dựng được 45.000 hợp tác xã, thu hút 75% thợ thủ công ở thành thị và nông thôn, bước đầu tăng thêm đầu tư thiết bị, cải tiến kỹ thuật. Tuy nhiên, ở đây cũng có thể nhận thấy những hạn chế tương tự như trong phong trào hợp tác hoá.

    III. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)

    3.1. Tình hình và nhiệm vụ

    Nội dung công nghiệp hoá trong thời kỳ quá độ ở nước ta được xác định là: vừa phát triển công nghiệp vừa phát triển nông nghiệp, lấy phát triển công nghiệp làm trung tâm. Trên cơ sở ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, vừa phát triển công nghiệp trung ương vừa phát triển công nghiệp địa phương, lấy phát triển công nghiệp trung ương làm chính.

    Đối với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam lúc đó, lộ trình công nghiệp hoá được dự kiến sẽ diễn ra qua 3 kế hoạch 5 năm hay dài hơn một chút. Đến cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất vào năm 1965, công nghiệp miền Bắc sẽ đạt tỷ trọng 35% trong tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp, Việt Nam sẽ từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành nước nông - công nghiệp. Đến cuối kế hoạch 5 năm lần thứ II vào năm 1970, tỷ lệ này sẽ là 55 - 60% và Việt Nam sẽ trở thành một nước công - nông nghiệp. Đến năm 1975 hay muộn hơn một chút, tỷ lệ này sẽ là 70% và Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp tiên tiến.

    Trên cơ sở đường lối chung của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hội nghị trung ương lần thứ 7 khoá III (tháng 6/1962) đã xác định các nhiệm vụ cụ thể cho công nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ I:

    Một, thực hiện một bước ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, tích cực xây dựng một số cơ sở công nghiệp chủ yếu, làm nòng cốt ban đầu cho công nghiệp hoá, đồng thời tranh thủ xây dựng một số công trình chủ chốt gối đầu cho kế hoạch 5 năm lần II; chú trọng trang bị kỹ thuật cho các ngành cơ khí, nông cụ, phân bón, hoá chất, vật liệu xây dựng, thiết bị khai thác mỏ và khai thác rừng, cung cấp một phần phụ tùng thay thế và sửa chữa cho các nhà máy hiện có.

    Hai, kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với nông nghiệp, nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp toàn diện, vững chắc; tạo điều kiện cho nông nghiệp giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm và nguyên liệu, củng cố quan hệ sản xuất mới trong nông thôn.

    Ba, kết hợp phát triển công nghiệp trung ương với công nghiệp địa phương nhằm tăng cường trang thiết bị cho công nghiệp địa phương và tiểu thủ công nghiệp; kết hợp các loại quy mô lớn, vừa và nhỏ, kết hợp các trình độ kỹ thuật hiện đại, nửa cơ khí và thủ công trong phát triển công nghiệp nhằm khai thác tốt các tiềm năng địa phương để tạo ra nhiều tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Giúp đỡ xây dựng các cơ sở công nghiệp quốc doanh địa phương về dệt, may mặc, đặc biệt, quần áo may mặc sẵn để tiết kiệm vải, phân bón, thuốc trừ sâu, chế biến nông sản, công cụ cơ khí và nửa cơ khí, nông cụ cải tiến... Giúp hợp tác xã nông nghiệp mở các cơ sở chế biến hoa màu (khoai, sắn, ngô...), cung cấp các phương tiện vận tải để giải phóng đôi vai.

    Bốn, quán triệt nguyên tắc tự lực cánh sinh, phát huy nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ bên ngoài, coi trọng phát triển công nghiệp sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu, phấn đấu giải quyết một phần và tiến tới tự đảm bảo vật tư - phụ tùng thay thế. Quán triệt nguyên tắc kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đặc biệt, chú ý cải tiến và tăng cường các mặt tổ chức, quản lý đối với công nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, nhằm phấn đấu tăng hiệu quả, năng suất, chất lượng, hạ giá thành và tăng tích luỹ cho công nghiệp hoá.

    Kế hoạch 5 năm lần thứ I là kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn đầu tiên nhằm công nghiệp hoá đại quy mô. Trong kế hoạch đã đặt ra những chỉ tiêu lớn phát triển công nghiệp: vốn đầu tư xây dựng cơ bản công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn: 48% tổng mức đầu tư cho kinh tế - xã hội, hơn gấp rưỡi tổng vốn đầu tư cho cả hai ngành nông nghiệp và giao thông - bưu điện (các tỷ lệ tương ứng là 21% và 12%). Trong đó, nhóm A: 80% và nhóm B: 20%. Dự kiến, giá trị sản lượng công nghiệp sẽ tăng bình quân hàng năm 17%, trong đó nhóm A: 20% và B: 15%, công nghiệp trung ương: 22%, công nghiệp quốc doanh địa phương: 20% và tiểu thủ công nghiệp: 9%.

    Tuy nhiên, kế hoạch 5 năm đang được khẩn trương thực hiện còn chưa kết thúc thì cuối năm 1964, không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Từ đây, công nghiệp và toàn bộ đời sống kinh tế được đặt trong hoàn cảnh thời chiến.

    3.2. Phát triển công nghiệp hiện đại và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội

    Trong kế hoạch 5 năm, đã thực hiện đầu tư ưu tiên cho công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp nặng trung ương. Bình quân hàng năm, vốn đầu tư nhà nước vào công nghiệp là 343 triệu đồng, chiếm 45% tổng vốn đầu tư xã hội vào khu vực sản xuất vật chất và gấp 3 lần số tuyệt đối đầu tư bình quân hàng năm của thời kỳ trước. Trong 5 năm, tổng khối lượng vốn đầu tư cho công nghiệp thực hiện 1.351,8 triệu đồng, phân ra nhóm A: 78% và nhóm B: 22%, cho công nghiệp trung ương: 74,7% và công nghiệp địa phương: 25,3%. Riêng hai ngành điện lực và luyện kim đen chiếm 40% tổng vốn đầu tư vào công nghiệp. Do đó, tổng giá trị tài sản cố định mới tăng thêm của công nghiệp trong 4 năm 1961-1964 là 1.031,5 triệu đồng, trong đó công nghiệp trung ương tăng 964,5 triệu đồng và công nghiệp địa phương tăng 67 triệu đồng.

    Phương châm chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ bản là tập trung vào các công trình trọng điểm. Trong mỗi công trình lại tập trung vào những hạng mục quan trọng trực tiếp tham gia sản xuất hay liên quan tới sản xuất, để sớm có thể đưa xí nghiệp vào hoạt động toàn bộ hay từng phần.

    Trong năm đầu kế hoạch 5 năm, tiếp tục thi công 124 công trình trên hạn ngạch của giai đoạn trước chuyển sang và khởi công 45 công trình khác, trong số đó có 58 công trình đã và đang xây dựng có ý nghĩa quan trọng đối với quốc kế dân sinh. Kết quả, 21 công trình trên hạn ngạch đã hoàn thành trong năm, giá trị tài sản cố định tăng thêm 195,2 triệu đồng. Cả thời kỳ kế hoạch 5 năm đã xây dựng thêm 120 xí nghiệp, đưa tổng số xí nghiệp quốc doanh từ 1.012 năm 1960 lên 1.132 năm 1965, trong đó công nghiệp trung ương: 205 và công nghiệp quốc doanh địa phương: 927.

    Trong thời kỳ này, đã tăng thêm 113 xí nghiệp quy mô lớn, kỹ thuật hiện đại.

    Trong công nghiệp, đã bước đầu hình thành một cơ cấu theo hướng hiện đại, tự chủ. Công nghiệp trung ương phát triển chủ yếu về cơ khí, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng. Công nghiệp địa phương dựa trên nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất các hàng hoá tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng thông dụng.

    Hệ thống công nghiệp mới bao gồm ba bộ phận chủ yếu: công nghiệp trung ương, công nghiệp quốc doanh địa phương và tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã, trong đó công nghiệp nặng trung ương là xương sống của nền kinh tế quốc dân. Bước đầu hình thành một số khu công nghiệp tập trung như Hà Nội, Đông Anh, Việt Trì, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Quảng, Vinh...

    3.3. Phát triển công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nông nghiệp

    Theo tinh thần các Nghị quyết số 21-NQ/TW (05/7/1961) của Ban Bí thư về phương hướng phát triển hợp tác xã thủ công nghiệp và Nghị quyết số 105-NQ/TW (19/9/1964) của Bộ Chính trị về phương châm phát triển công nghiệp địa phương là đi từ nhỏ lên lớn, từ giản đơn đến phức tạp, từ thủ công và bán cơ khí lên cơ khí, từ phân tán, quy mô nhỏ đến tập trung, thích hợp với quá trình đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn.

    Năm 1965, miền Bắc có 927 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và 2.529 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp với 517.548 công nhân và thợ thủ công chuyên nghiệp. Công nghiệp địa phương tạo ra giá trị sản lượng 1.290 tr. đồng, chiếm 49% giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp miền Bắc, tăng 4,8 lần so với năm 1955 và 142% so với năm 1960. Trong đó, công nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh tăng 100% so với năm 1960 và chiếm tỷ trọng 39%, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã, cá thể tăng 22,5% và chiếm tỷ trọng 61%. Phân theo ngành phục vụ: sản xuất tư liệu tiêu dùng chiếm tỷ trọng 60,8%, sản xuất tư liệu sản xuất 34,6% và xuất khẩu 4,6%.

    Những sản phẩm chủ yếu của công nghiệp địa phương bao gồm các hàng hoá tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng thông dụng cho dân cư như điện, than, gang, phân bón hoá học, gạch ngói, xi măng, gỗ tròn, tre nứa, song mây, nông cụ cải tiến, chiếu cói, da thuộc, đường mật, cá, muối...

    Tiểu thủ công nghiệp, lực lượng to lớn của công nghiệp địa phương , sản xuất ra 61% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương và 40% giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp miền Bắc.

    3.4. Tình hình phát triển những ngành công nghiệp chủ yếu

- Điện lực: Đạt tốc độ phát triển nhanh: 248% (tốc độ chung của công nghiệp -189%). Đã xây dựng thêm các nhà máy điện như Uông Bí, Việt Trì, Thái Nguyên, Hà Bắc, Vinh... đưa tổng số cơ sở từ 33 năm 1961 lên 40 năm 1965. Đã làm xong 571 km đường dây 110 kV, 1.135 km đường dây 35 kV. Đã hình thành mạng lưới điện 110 kV thống nhất phân phối điện cho phía nam và bắc Hà Nội, khu vực Nam Định, Hải Phòng, Bắc Giang, Việt Trì, Phú Thọ, Thái Nguyên, khu mỏ than. Hoàn thành các đường dây 110 kV Đông Anh - Hà Nội - Nam Định, Uông bí - Mông Dương, Đông Anh - Bắc Giang. Hoàn thành và đưa vào sử dụng các trạm biến thế 110/35/6 kV như Hà Đông (40 ngàn kVA), Trình Xuyên và Mông Dương (20 ngàn kVA). Ngoài ra, đã xây dựng một số trạm phát điện nhỏ ở các thị xã, thị trấn, các trạm thuỷ điện nhỏ miền núi. Tiếp tục xây dựng các nhà máy thuỷ điện Thác Bà, Na Hang, Suối Cun, khởi công nhà máy thuỷ điện Lạng Sơn.

    Năm 1965, miền Bắc đạt sản lượng điện 633,6 triệu kWh, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1960. Công suất huy động thêm của ngành Điện trong thời gian này là 103.000 kW; công suất có khả năng huy động là 192.000 kW, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các nhà máy và khu công nghiệp quan trọng, cho nông nghiệp chống úng và chống hạn ở đồng bằng Bắc bộ, một số khu vực trung du và miền núi.

- Ngành Than: Sản lượng than khai thác tăng từ 2,6 triệu tấn năm 1960 lên 4,2 triệu tấn năm 1965, trong đó, Công ty Than Hòn Gai sản xuất phần chủ yếu, ngoài ra có các mỏ Uông Bí, Mông Dương. Ngành Than đã xây dựng thêm một số mỏ phụ, khởi công xây dựng mỏ than Mông Dương, nghiên cứu khôi phục mỏ than Mạo khê, mở rộng mỏ than Uông Bí, hoàn thành xây dựng cơ sở luyện cốc Hồng Gai, thăm dò bổ sung trữ lượng các mỏ than Vàng Danh, Cánh Gà, Mông Dương, Mạo Khê, nâng cấp trữ lượng than Hà Tu, Hà Lầm, Tây Bắc, khởi công thăm dò Khe Chàm...

- Ngành Cơ khí: Đã có khả năng chế tạo các máy công cụ chính xác cấp 2, các loại máy nổ, máy bơm, các thiết bị toàn bộ cho một số ngành công nghiệp nhẹ. Xây dựng thêm một số nhà máy cơ khí quan trọng như Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả, Cơ khí nông nghiệp Hà Đông, cải tạo và mở rộng các nhà máy cơ khí Duyên Hải, Điện Cơ, Cơ khí Uông Bí, Xe đạp Thống Nhất, Cơ khí Trần Hưng Đạo, hoàn thành xây dựng phân xưởng cắt gọt và mở rộng phân xưởng cơ khí của Nhà máy Cơ khí Hà Nội, hoàn thành Nhà máy Đóng tầu Bạch Đằng (đợt I), mở rộng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Khởi công các nhà máy Liên hợp Diêden và nhà máy Cẩm Phả, Nhà máy Điện cơ Hungari, Nhà máy Dụng cụ đồ nghề và cân, Nhà máy Cơ khí Gia Lâm... đưa số xí nghiệp cơ khí lên 148 năm 1965, đạt giá trị sản lượng 309 triệu đồng, trong đó cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng 80% và cơ khí sửa chữa: 20%, cơ khí phục vụ sản xuất: 90% và phục vụ tiêu dùng: 10% 1.

- Ngành Luyện kim: Sản lượng gang miền Bắc vào năm 1965 đạt 115 ngàn tấn (riêng Thái Nguyên là 90 ngàn tấn), thép thỏi đạt 10 ngàn tấn. Nghiên cứu đúc các bán thành phẩm để giảm ứ đọng thép thỏi, chuẩn bị phương án cho mở rộng Khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên đợt 2. Ngoài ra, tích cực đẩy mạnh khai thác kim loại mầu, đạt sản lượng thiếc thỏi: 436 tấn và quặng cơrômit khô: 13,1 ngàn tấn, tổ chức khai thác mỏ thiếc Sơn Dương (Tuyên quang), tích cực giải quyết bãi thải và áp dụng phương pháp khai thác mới để nâng sản lượng khai thác quặng cơrômit Cổ Định (Thanh Hoá).

- Ngành Phân bón, hoá chất: Năm 1965, các loại phân bón đạt: supe phốt phát: 87,2 ngàn tấn, quặng apatít cục: 680 ngàn tấn, thuốc bột 666: 1.569 tấn, axit sunphuaric: 4.688 tấn. Đã hoàn thành Nhà máy Phân đạm Hà Bắc trong năm 1965, bắt đầu xây dựng cơ sở nghiền apatít, mở rộng phân xưởng axit sunphuaric, gấp rút nghiên cứu xây dựng nhà máy điện giải và thuốc nhuộm.

- Ngành Vật liệu xây dựng: Tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựngở cả trung ương và địa phương, đưa số lượng cơ sở từ 352 năm 1960 lên 429 năm 1965. Củng cố và nâng công suất các nhà máy xi măng đạt 573 ngàn tấn xi măng bao vào năm 1965; trong đó, chủ yếu là xi măng Hải Phòng, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước đang tăng cao (chiếm khoảng 60%) và phục vụ xuất khẩu (chiếm khoảng 40%). Tiến hành xây dựng mỏ đá Tràng Kênh, bảo đảm cung cấp gạch chịu lửa phục vụ Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Bắt đầu nghiên cứu, thăm dò để chuẩn bị xây dựng nhà máy xi măng cỡ lớn ở Ninh Bình. Ngành vật liệu xây dựng trung ương giúp đỡ cho các địa phương về phương tiện cơ giới để khai thác gỗ, đá, cát, sỏi và làm gạch ngói... Tập trung đầu tư khai thác gỗ ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; làm thêm hàng trăm km đường vận chuyển gỗ, tăng thêm nhiều đội cơ giới làm đường, tăng cần trục bốc dỡ, xe ô tô vận chuyển và máy kéo gỗ (DT.40 và DT.60); tiến hành điều tra quy hoạch, xác định trữ lượng gỗ rừng cho khai thác, đồng thời chuẩn bị khai thác gỗ khu vực sông Hiếu.

- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: Được tiếp tục đẩy mạnh. Số cơ sở công nghiệp thực phẩm và công nghiệp hàng tiêu dùng tăng từ 321 cái năm 1960 lên 336 cái năm 1965. Sản xuất một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng năm 1965 như sau: thuỷ tinh: 9,5 ngàn tấn, bóng đèn điện: 866 ngàn cái, phích nước: 204 ngàn cái, giấy: 23,9 ngàn tấn, thuốc lá: 165 triệu bao, chiếu cói: 2.638 ngàn đôi, gạo xay máy: 398 ngàn tấn, quần áo dệt kim: 7,4 triệu cái, vải: 100 triệu mét, da 1.465 ngàn bìa và 357 tấn, xà phòng: 6.378 tấn, thuốc đánh răng: 5,2 triệu ống, đồ sắt tráng men: 4.730 ngàn cái... Chúng ta đã tập trung mở rộng và nâng công suất cho các nhà máy sau: hai nhà máy đường Nghệ An và Việt Trì (đưa công suất từ 350 tấn lên 500 tấn mía/ngày), Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (tăng công suất lên 100 triệu bao/năm), cân đối thiết bị và nâng công suất Nhà máy Giấy Việt Trì (đạt công suất 20 ngàn tấn), mở rộng Nhà máy Gỗ Cầu Đuống, hoàn thành xây dựng và huy động hết công suất Nhà máy Dệt 8/3 (35 triệu mét vải), hoàn thành các phân xưởng phụ và huy động hết công suất Nhà máy Mì chính Việt Trì, tăng thiết bị cho các cơ sở sản xuất đường, chè, rượu, xà phòng, sữa bột, đậu nành, bột ngô. Ngoài ra, cũng khởi công xây dựng các nhà máy Đường Sao Vàng, Hoa quả Việt Trì, Sấy thuốc lá Ninh Bình, Giấy Vạn Điểm, Thuộc da Vinh, Chế biến thịt Phú Thụy...

    B. Trong lĩnh vực thương mại

    I. Giai đoạn khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa (1955 – 1960)

    Đối với lĩnh vực thương mại, Hội nghị trung ương Đảng lần thứ 8 khóa II (tháng 8 năm 1955) đã đề ra nhiệm vụ: “Điều chỉnh nền thương nghiệp trước đây phục vụ đế quốc, chiến tranh xâm lược và một số người thành thị, thành thương nghiệp phục vụ dân sinh và sản xuất; khôi phục và phát triển thương nghiệp trên cơ sở tăng cường mậu dịch quốc doanh, làm cho mậu dịch quốc doanh chiếm ưu thế trên thị trường, đồng thời phát triển vững chắc hợp tác xã mua bán ở những nơi đã cải cách ruộng đất”.

    Thương nghiệp quốc doanh đã có sự phát triển rất nhanh chóng, tổng trị giá hàng hóa mua vào trong 5 năm (1955-1960) tăng lên 6,3 lần, tổng mức lưu chuyển bán lẻ năm 1960 so với năm 1955 tăng hơn 6 lần. Hàng nghìn cửa hàng bán buôn, bán lẻ, thu mua và phục vụ ăn uống, dịch vụ ra đời, tạo nên mạng lưới kinh doanh thương nghiệp trải khắp các thành phố, tỉnh, huyện và thị trấn. Năm 1955 mới có 511 cửa hàng thì đến 1960 đã có 1.987 cửa hàng…

    Cũng trong giai đoạn này, Bộ Thương nghiệp được thành lập (1955) do ông Phan Anh là Bộ trưởng, ông Đặng Việt Châu là Thứ trưởng, sau đó ngày 29/4/1958 được chia ra thành hai Bộ: Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương (1958). Các tổng công ty cũng được ra đời với nhiệm vụ kinh doanh từng nhóm mặt hàng trên phạm vi toàn miền Bắc, có hệ thống từ trung ương xuống tận cơ sở. Ở các tỉnh, thành phố đã tổ chức các ty hoặc sở thương nghiệp và công ty bán buôn kiêm bán lẻ.

    Có thể nói, thời kỳ 1955-1975 là thời kỳ cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Bắc, vừa phải tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên phạm vi cả nước. Cũng trong suốt 20 năm đó, thương mại ở hai miền đất nước phát triển trong những điều kiện hoàn toàn khác nhau. Sự phát triển của thương mại ở miền Bắc tùy thuộc vào nhiệm vụ xây dựng kinh tế của mỗi giai đoạn, cụ thể:

    1.1. Hoạt động nội thương

    1.1.1. Phát huy vai trò đòn xeo, phục vụ thúc đẩy khôi phục và phát triển sản xuất

    Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc là phải hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế quốc dân, giảm bớt những khó khăn trong đời sống nhân dân.

    Trong việc thực hiện nhiệm vụ này, Trung ương Đảng và Chính phủ rất coi trọng vai trò đòn xeo của thương nghiệp. Cụ thể là:

- Nhà nước đã rất quan tâm phát triển thương nghiệp quốc doanh. Từ chỗ chỉ có một Sở Mậu dịch Trung ương trong thời kỳ kháng chiến, đến năm 1957 đã có 10 tổng công ty ngành hàng với trên 900 cửa hàng rải khắp các địa phương ở miền Bắc. Bên cạnh thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán cũng phát triển nhanh. Đến cuối năm 1957, ở tất cả 28 tỉnh, thành phố ở miền Bắc đã tổ chức được 207 hợp tác xã mua bán cơ sở (lúc đó, cấp huyện là đơn vị cở sở của hợp tác xã mua bán, bao gồm 1,5 triệu xã viên trong 4.000 xã).

- Để thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp, trước tình hình nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp bị đình đốn vì không cạnh tranh được với hàng ngoại thời tạm chiếm và thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, máy móc phụ tùng sau giải phóng, Mậu dịch quốc doanh đã thực hiện các chủ trương sau:

+ Chính sách giá bán hàng nhập khẩu bảo hộ sản xuất trong nước;

+ Dựa vào ưu thế nắm được nguồn nguyên, vật liệu, máy móc phụ tùng nhập khẩu, Mậu dịch quốc doanh thực hiện chủ trương “Dĩ công vi chẩn” (cứu trợ bằng cách tạo công ăn việc làm), qua các hình thức quan hệ giữa Mậu dịch quốc doanh và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, như: gia công, thu mua, bao tiêu sản phẩm hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm, nên đã góp phần đắc lực vào việc khôi phục và phát triển sản xuất.

    Đối với nông nghiệp, toàn bộ phân bón hóa học cho sản xuất nông nghiệp là do thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán cung ứng. Hợp tác xã mua bán từ trung ương đến cơ sở còn tổ chức cung ứng trâu bò, cày kéo, nông cụ cho nông dân. Trong các năm 1956-1957, để đấu tranh chống việc tư thương dìm giá thóc gạo trên thị trường, gây thiệt hại cho nông dân, mỗi năm, thương nghiệp quốc doanh đã thu mua khoảng 20 vạn tấn thóc với giá hợp lý, cao hơn giá thị trường khoảng 20 - 30đ/kg.

    Thương nghiệp quốc doanh cũng ngoài việc phấn đấu cung ứng đầy đủ, kịp thời nguyên, nhiên liệu và giúp đỡ về trang bị kỹ thuật…, gia công, bao tiêu sản phẩm hàng hóa cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, còn chi phí cho việc thuê thầy dạy nghề cho người lao động để khôi phục một số ngành nghề truyền thống đã bị mai một trong chiến tranh.

    Năm 1956, sản xuất tiểu thủ công nghiệp có gần 67.000 cơ sở với khoảng 188.000 lao động. Năm 1957, đã tăng lên gần 150.000 cơ sở với 474.000 lao động và năm 1958, Bộ Nội thương đã tổ chức được cuộc triển lãm “Bàn tay Vàng” tại nhà Đấu Xảo - Hà Nội với hơn 100 gian hàng, cùng hàng nghìn mặt hàng, đánh dấu thời kỳ khôi phục và phát triển rực rỡ của tiểu thủ công nghiệp ở miền Bắc.

    Như vậy là, chỉ hơn hai năm sau khi hòa bình được lập lại, sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp không những đã được khôi phục mà còn phát triển vượt mức năm 1939 - năm được coi là sản xuất cao nhất trước chiến tranh. Đời sống nông dân và nhân dân lao động được từng bước cải thiện, ổn định.

    Thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán thời kỳ này thật sự là “người hậu cần” của sản xuất và “người nội trợ đảm đang” của dân.

    1.1.2. Đấu tranh bình ổn vật giá

    Bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, công tác đấu tranh bình ổn vật giá vẫn được Đảng, Chính phủ, Bộ coi là một nhiệm vụ trọng yếu.

    Ngay trong tháng 1/1955, sau khi việc điều chỉnh giá hàng công nghiệp vừa được thực hiện, thì một khó khăn lớn xuất hiện: Giá gạo trên thị trường tăng nhanh, lực lượng gạo của mậu dịch quốc doanh giảm mạnh, nếu cứ tiếp tục bán tự do thì chỉ sau một thời gian ngắn là hết, trong khi lúa chiêm phải đến tháng 5, tháng 6 mới được thu hoạch, các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh lại mất mùa vì lũ lụt, gạo các nước anh em viện trợ phải đến tháng 6, sau khi ta tiếp quản Hải Phòng mới có thể vào được.

    Để đối phó với tình hình, một mặt Chính phủ phát động phong trào đẩy mạnh sản xuất hoa màu ngắn hạn thay gạo lúc giáp hạt, mặt khác, tiến hành những biện pháp mới để đấu tranh bình ổn giá gạo. Cụ thể là việc bán gạo của Mậu dịch quốc doanh được điều chỉnh như sau:

- Đối với công nhân viên chức và các thành viên trong gia đình họ, Nhà nước vẫn tiếp tục cung cấp theo định lượng và giá ổn định.

- Đối với các tầng lớp nhân dân khác thì tạm thời điều chỉnh giá bán lên sát với giá thị trường, nhằm thu hút nguồn gạo còn trong nông dân và nguồn gạo từ miền Nam ra, qua khu vực 300 ngày để bổ sung cho thị trường Hà Nội, giảm bớt áp lực đối với Mậu dịch quốc doanh.

    Nhờ đó, thị trường có thêm nguồn gạo, tạm đáp ứng được nhu cầu, đà tăng giá bị chặn lại.

    Chỉ hai năm sau đó, ta lại phải tiến hành một cuộc đấu tranh bình ổn giá lúa gạo nhưng với mục tiêu ngược lại: Chống tư thương dìm giá lúa gạo xuống quá thấp, gây thiệt hại cho nông dân.

    Đối với hàng công nghiệp, giá cả trong 2 năm 1955-1956 nhìn chung ổn định. Các thương nhân làm kinh tiêu, đại lý cho Mậu dịch quốc doanh chấp hành tương đối nghiêm chỉnh giá chỉ đạo.

    Cuối năm 1966, tình hình chính trị - xã hội có một số diễn biến phức tạp. Để đấu tranh bình ổn giá, Bộ đã đề ra một loạt biện pháp:

- Tăng cường quản lý việc bán hàng của các kinh tiêu, đại lý. Trừng trị nghiêm những kẻ đầu cơ lợi dụng hàng của Mậu dịch quốc doanh để nâng giá kiếm lời bất chính.

- Nhanh chóng mở rộng mạng lưới bán lẻ của Mậu dịch quốc doanh ở thành thị và hợp tác xã mua bán ở nông thôn - Tích cực tiếp nhận và đưa nhanh nguồn hàng viện trợ của các nước anh em vào lưu thông.

- Tạo điều kiện bình ổn giá vững chắc, trước mắt cũng như lâu dài, trong đó phải đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Các Tổng công ty phải đẩy mạnh gia công, thu mua sản phẩm, khuyến khích tạo ra nhiều mặt hàng mới.

    Nhìn chung, tình hình thương nghiệp nội địa từ 1955 đến 1960 diễn biến tích cực, thị trường giá cả bình ổn; hàng hoá trên thị trường ngày càng phong phú hơn, việc mua bán đễ dàng, thuận tiện hơn (kể cả hai mặt hàng là gạo và vải). Có thể nói, thời gian 1958-1960 đời sống của nhân dân và cán bộ được coi là dễ chịu nhất từ sau năm 1955.

    1.2. Hoạt động ngoại thương

- Về mặt tổ chức: Trong từng thời kỳ có những sự điều chỉnh, nhưng đại thể, trong Bộ có Vụ Xuất, Vụ Nhập, 2 vụ khu vực: Vụ Khu vực I (với các nước xã hội chủ nghĩa); Vụ Khu vực II (với các nước tư bản chủ nghĩa). Tổ chức 8 tổng công ty xuất, nhập khẩu trực tiếp hàng hoá (Agrexport, Vegetexco, Tocontap, Naforimex, Minexport, Artexport, Machinoimport, Technoimport). Một số cơ quan khác trực thuộc Bộ Ngoại thương trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ công tác xuất nhập khẩu là Tổng cục Hải quan, Cục Kiểm nghiệm, Tổng công ty Thuê tàu (Vietfracht), Công ty Giao nhận hàng xuất nhập khẩu (Vietrans), Phòng Thương mại… Trong lĩnh vực đào tạo, Bộ thành lập các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác trong toàn Ngành. Mọi hoạt động đào tạo đều nằm dưới sự chỉ đạo thống nhất của Vụ Tổ chức -Cán bộ (trong Vụ Tổ chức - Cán bộ có Phòng Quản lý đào tạo), việc bổ nhiệm các chức danh từ phó phòng trở lên của các trường là công việc của Bộ Ngoại thương. Khi sinh viên tốt nghiệp do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương cấp bằng và cũng do Bộ trực tiếp phân công công tác.

    Ở các tỉnh, thành phố có công ty ngoại thương địa phương với nhiệm vụ tổ chức các trạm thu mua, gia công hàng xuất khẩu đặt ở những nơi trung tâm (huyện, thị xã) có nhiều hàng xuất khẩu. Ngoài ra, có một số ít xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (mây tre đan, mành tre…) trực thuộc các tổng công ty xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương. Các công ty ngoại thương các tỉnh không được trực tiếp xuất, nhập khẩu với nước ngoài, mọi hàng hóa đều bán cho các tổng công ty trung ương hoặc ủy thác xuất qua các tổng công ty trung ương.

- Về hàng hoá: Lực lượng làm công tác ngoại thương cũng đã tích cực tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu, như các loại nông sản như lạc, vừng, chè…; lâm sản như gỗ ván sàn...; dược liệu có ba kích, thảo quả, hạt sen khô, nhãn vải sấy khô…; tạp phẩm là cao sao vàng, giầy vải…; Khoáng sản có Apatit Lào Cai, than Quảng Ninh và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ là hàng mây tre đan… thậm chí thu mua cả lông gà lông vịt, chổi chít, chổi tre để xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu thời gian này còn manh mún, giá trị thấp, phân tán khắp nơi, nên đa số phải thu gom dần, chưa có mặt hàng nào là hàng xuất khẩu chủ lực.

- Hàng nhập khẩu: Ngoài việc tiếp nhận viện trợ xây dựng các công trình, như xây dựng hệ thống các nhà máy điện, nhà máy nước, gang thép, xi măng, hệ thống các xí nghiệp cơ khí, các công trình giao thông, bến cảng, sân bay, các công trình phục vụ quốc phòng, phục vụ chiến đấu, hệ thống các nhà máy phục vụ dân sinh và xuất khẩu như dệt may, chế biến rau quả..., hàng nhập khẩu chủ yếu là những máy móc lẻ, những bộ phận linh kiện để duy trì sản xuất một số ngành công nghiệp nhẹ, phục vụ đời sống như một số hoá chất, dược liệu, dược phẩm, giấy báo…, thậm chí một vài loại nhạc cụ, một số bộ phận, linh kiện để duy trì sản xuất của một số xí nghiệp công nghiệp.

- Về vận tải: Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, hoạt động ngoại thương còn chưa phát triển và cũng chỉ mới quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô, mọi giao dịch chủ yếu bằng đường sắt và đường biển. Từ năm 1964, khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, do đường biển bị địch phong toả, Cảng Hải Phòng bị địch rải thuỷ lôi, mìn… nên hàng hóa viện trợ chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt liên vận qua Trung Quốc. Hàng nhập khẩu phục vụ đời sống nhân dân vẫn do tầu Liên xô và Cu Ba chuyên chở cho ta qua Cảng Hải Phòng, bất chấp sự phong tỏa của Mỹ.

    Trên phương diện kinh tế đối ngoại, ta đã thực hiện phương châm không ngừng củng cố và phát triển quan hệ kinh tế - thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời mở rộng quan hệ với các nước ngoài xã hội chủ nghĩa, thuộc thế giứoi thứ 3, như Nam Á, Bắc Phi, Trung Cận Đông...

    Quan hệ thương mại với các nước khác trên thế giới cũng ngày càng được thiết lập: Ký Hiệp định thương mại với Chính phủ Pháp (cuối 1955); Ấn Độ (cuối 1956); Inđonêxia (đầu 1957); tiếp theo sau là Cộng hòa Ả rập Thống nhất; Campuchia; I-rắc,… Chúng ta cũng mở rộng quan hệ buôn bán với nhiều thị trường trong khu vực và trên thế giới. Tính đến năm 1960, ta đã có quan hệ thương mại với 22 nước.

    Cũng trong thời gian đó, một số tổng công ty xuất nhập khẩu cũng đã được thành lập như: Tổng công ty Xuất nhập khẩu Máy và Xăng dầu; Tổng công ty Xuất khẩu Khoáng sản, Than, Xi măng, Gỗ; Tổng công ty Xuất khẩu tạp phẩm. Kim ngạch xuất nhập khẩu 3 năm (1958-1960) gấp 3 lần so với 3 năm trước đó (1955- 1957). Năm 1960, xuất khẩu cân đối được 2/3 nhập khẩu; Viện trợ không hoàn lại chỉ còn chiếm 13,2% kim ngạch nhập khẩu.

    Đánh giá tổng quát hoạt động của thương nghiệp trong thời kỳ 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, Nghị quyết Hội nghị trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa II) về thương nghiệp và giá cả đã chỉ rõ: “Trong thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế, ta đã không ngừng tăng cường lực lượng của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, hoàn thành nhanh gọn và nói chung là tốt việc cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh, tiến hành cải tạo thương nghiệp nhỏ, chuyển một bộ phận tiểu thương sang sản xuất. Thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất về căn bản đã hình thành. Nội dung đã có nhiều cố gắng mở rộng thu mua và gia công nắm nguồn hàng, cải tiến việc phân phối và cung cấp hàng hóa, tiếp tục ổn định thị trường, ổn định giá cả, phục vụ tốt sản xuất, xây dựng và đời sống nhân dân, đồng thời góp phần quan trọng vào việc cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công nghiệp tư bản tư doanh”.

    II. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965)

    Những thành tựu to lớn trong giai đoạn khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế đã tạo tiền đề cho đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế theo kế hoạch dài hạn 5 năm (1961-1965) và Hội nghị trung ương lần thứ 8 (khóa III họp tháng 4 năm 1963) đã đề ra nhiệm vụ cho các ngành đảm nhiệm công tác phân phối lưu thông là: “Mở rộng giao lưu hàng hóa, phục vụ tốt công cuộc xây dựng bước đầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phát triển, góp phần từng bước cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quan hệ sản xuất mới và hoàn thiện cải tạo xã hội chủ nghĩa… Công tác nội thương phải nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi, giữa kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã. Phải thực hiện tốt kế hoạch thu mua và cung cấp hàng hóa, sắp xếp hợp lý mạng lưới thương nghiệp, mở rộng thị trường có tổ chức, tăng cường lãnh đạo thị trường tự do, nhằm kích thích và phục vụ sản xuất phát triển mạnh mẽ”.

    Trong điều kiện kinh tế nước ta lúc đó, việc Nhà nước nắm được ngày càng nhiều hàng hóa sản xuất để phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân có ý nghĩa then chốt. Mặt trận chính của hoạt động thương mại giai đoạn này là thu mua nắm hàng lương thực, thực phẩm và các hàng nông sản khác.

    Bằng nhiều biện pháp thu mua thiết thực và hiệu quả, tổng giá trị hàng hóa trong nước do ngành thương mại thu mua không ngừng tăng lên qua các năm. Nếu so sánh năm 1965 với năm 1960 thì tổng giá trị đó bằng 159,1%; trong đó, trị giá về lương thực bằng 139,6%; về thực phẩm và hàng nông sản khác bằng 196,75%. Khối lượng hàng công nghiệp thu mua được cũng tăng lên đáng kể qua các năm. So với năm 1960 thì năm 1965, chỉ số đó là 156,3%. Mức độ lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong 5 năm đã tăng bình quân hàng năm 7,1%, vượt mức kế hoạch Nhà nước đề ra.

    Tuy nhiên, từ năm 1961 trở đi, tình hình có những diễn biến phức tạp:

- Sản xuất lương thực giảm sút do thiên tai.

- Nhu cầu của cả nền kinh tế tăng lên do: Dân số tăng, mỗi năm tăng thêm 0,5 triệu người; Dân số phi nông nghiệp tăng với việc tập trung nhiều lao động tại thành thị, khu công nghiệp, các công trường xây dựng lớn; Nhu cầu chi viện cho miền Nam.

- Khó khăn trong cân đối tiền hàng do nhu cầu đầu tư xây dựng những công trình quy mô lớn, như Gang thép Thái Nguyên, Thuỷ điện Thác Bà, Nhiệt điện Uông Bí, Phân đạm Hà Bắc, Khu công nghiệp Việt Trì,v.v…

    Do đó, thị trường bắt đầu có những diễn biến phức tạp, giá cả thị trường bắt đầu tăng.

    Ngày 18/10/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 165/CP thành lập Tổng cục Vật tư trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Tổng cục Vật tư có trách nhiệm thống nhất quản lý công tác cung ứng vật tư, điều hòa, phân phối và dự trữ vật tư - kỹ thuật cho các ngành kinh tế quốc dân, đặc biệt phục vụ nhu cầu quốc phòng của đất nước. Những công ty vật tư trước thuộc Bộ Nội thương nay được chuyển sang Tổng cục Vật tư.

    Trong các năm 1962-1965, Tổng cục Vật tư đã đảm bảo phân phối các vật tư chiến lược, như xăng dầu, kim khí, thiết bị, phương tiện vận tải cho các Bộ và các địa phương theo đúng cân đối tập trung của kế hoạch 5 năm và từng năm của Nhà nước.

    Ngành Thương mại và cung ứng vật tư lúc đó có một đội ngũ lao động đông đảo, chiếm khoảng 1/5 khu vực kinh tế nhà nước, quản lý khoảng 26 - 27% giá trị tài sản cố định và tài sản lưu động của toàn bộ khu vực sản xuất vật chất trong xã hội. Riêng Nội thương lúc mới ra đời chỉ có 500 người, đến ngày đó đã có tới 115 ngàn, quá một nửa số đó là phụ nữ.

    Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ngành Thương mại đã có những đóng góp xứng đáng: So với năm 1960 thì năm 1965, xuất khẩu tăng 27,9%; nhập khẩu tăng 103,6%; vật tư kỹ thuật cung ứng cho sản xuất, xây dựng và quốc phòng tăng 79%, trong đó xăng dầu tăng 85,4%. Qua việc nhập khẩu thiết bị toàn bộ và thiết bị lẻ, miền Bắc đã cải tạo và xây dựng mới nhiều công trình quan trọng thuộc các ngành Năng lượng, Chế tạo máy, Hóa chất, Khai khoáng,… Sự giúp đỡ của các nước anh em, bầu bạn lúc đó trong việc cung cấp các hàng hóa nhập khẩu đã góp phần có ý nghĩa quyết định vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm (1961-1965). Tính đến năm 1964, ta đã có quan hệ buôn bán với 40 nước trên thế giới.

    Về lưu thông hàng hóa trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội tăng 51,2%, trong đó lương thực tăng 46%, vải các loại tăng 51%. Khối lượng sản phẩm của các ngành sản xuất đã được ngành Thương mại tiêu thụ trên thị trường trong nước tăng 57,4%, phần quốc dân sáng tạo trong ngành thương nghiệp nội địa tăng 23,2% và chiếm 18% thu nhập quốc dân. Thương nghiệp nội địa đã bảo đảm được 75 - 76% nhu cầu mua sắm của gia đình công nhân viên chức. Giá cả hàng hóa trên thị trường thời kỳ này tương đối ổn định.

    Mạng lưới thương nghiệp nội địa bao gồm các cửa hàng, kho trạm cùng các trang thiết bị thương nghiệp và sự phân bố hợp lý mạng lưới giữa các khu vực, các ngành hàng và các khâu kinh doanh đã được tăng cường thêm đáng kể trong kế hoạch 5 năm, điều đó đã làm tăng thêm năng lực tổ chức lưu chuyển hàng hóa và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của thị trường.

    Đánh giá chung về thời kỳ này, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành trung ương lần thứ 10 (khóa III) cũng chỉ rõ: “Thương nghiệp đã có nhiều cố gắng phục vụ nhu cầu thiết yếu của sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời góp phần vào việc xuất khẩu, củng cố giá trị đồng tiền, hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa và tăng tích lũy để thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”.

Đăng nhập
Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương tỉnh Sơn La 
Địa chỉ: Khu trung tâm hành chính tỉnh - khu quảng trường tây bắc, thành phố Sơn La tỉnh Sơn La
Điện thoại: 0212.3852268 - Email: sct@sonla.gov.vn
Giấy phép xuất bản số: Số 31/GP-TTĐT ngày 04/9/2024 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Sơn La
Designed by VNPT
 Chung nhan Tin Nhiem Mang