Giai đoạn 1965 - 1975

GIAI ĐOẠN 1965 - 1975
Công nghiệp và Thương mại với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam

A. Trong lĩnh vực công nghiệp

Mặc dù vào giai đoạn kế hoạch 5 năm lần nhất, nhịp độ tăng trưởng đã suy giảm đáng kể, nhưng nếu xét trong cả thời kỳ 10 năm, thì công nghiệp vẫn có bước phát triển khá cao, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,5%/năm, trong đó, công nghiệp nhóm A tăng 17,6%/năm và công nghiệp nhóm B tăng 10,7%/năm.

Bước vào giai đoạn mới với tình huống chiến tranh phá hoại miền Bắc rất khốc liệt bằng không quân của Mỹ qua hai đợt (1964-1968 và 1972), Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương kịp thời để chuyển hướng kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng: Nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ 11, Nghị quyết trung ương 105 (1965) và Chỉ thị 143 trung ương (1969) về chuyển hướng phát triển công nghiệp địa phương và tiểu thủ công nghiệp trong tình hình mới có chiến tranh; Chỉ thị số 11 - TTg của Phủ Thủ tướng (09/01/1971) về ổn định và cải tiến công tác quản lý công nghiệp và xí nghiệp công nghiệp quốc doanh (đợt thí điểm cải tiến quản lý công nghiệp bước I), Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường cải tiến công tác quản lý công nghiệp thời kỳ hoà bình khôi phục 1973-1975 (đợt cải tiến quản lý công nghiệp bước II).

Tinh thần và nội dung của sự chuyển hướng này không chỉ là để phù hợp với tình hình thời chiến, mà còn nhằm đổi mới cơ chế quản lý là xác định đường lối công nghiệp hoá cho phù hợp với điều kiện quá độ từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Chủ trương và những nội dung chủ yếu chuyển hướng phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới là:

Thứ nhất, di chuyển nhanh chóng các cơ sở sản xuất và kho tàng về nơi sơ tán, bảo vệ an toàn xí nghiệp, duy trì sản xuất trong mọi tình huống, cải tiến công tác tổ chức sản xuất công nghiệp phù hợp với tình hình có chiến tranh, kết hợp sản xuất và chiến đấu, đảm bảo cung cấp các hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và duy trì đời sống nhân dân không bị đảo lộn trong chiến tranh.

Thứ hai, khẩn trương xây dựng và phát triển mạng lưới công nghiệp địa phương về các vùng hậu phương trung du và miền núi, phân bố lại sản xuất công nghiệp để gắn với nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, gắn công nghiệp với nông nghiệp và với các ngành kinh tế quốc dân khác, gắn kinh tế với quốc phòng.

Thứ ba, chấn chỉnh lề lối quản lý kinh tế, chống căn bệnh hành chính tập trung quan liêu, tăng cường tính tự chủ của cơ sở, giảm sự can thiệp hành chính vào kinh doanh.

Cuối cùng, tính tới yêu cầu phát triển lâu dài, ngay trong chiến tranh vẫn tiến hành nghiên cứu điều tra cơ bản, thăm dò và khảo sát, lập quy hoạch dài hạn, có kế hoạch đào tạo đội ngũ để chuẩn bị cho xây dựng lớn khi hoà bình.

I. Bảo vệ và phát triển công nghiệp trong điều kiện chiến tranh ác liệt

Sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do phải huy động một lực lượng lao động trẻ khoẻ vào chiến trường, do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu trầm trọng, do các thiết bị máy móc bị đánh phá hư hỏng chưa kịp sửa chữa hoặc sửa chữa vội vã không đảm bảo an toàn, sự cố thường xẩy ra. Và do đó, mức sản xuất công nghiệp bị giảm sút so với thời kỳ trước chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.

Tình hình cụ thể sản xuất một số sản phẩm quan trọng của thời kỳ 1965-1970 như sau:

Những sản phẩm giảm sút: sản lượng điện từ 633,6 triệu kWh giảm xuống 501 triệu kWh, than từ 4,2 triệu tấn giảm xuống 2,7 triệu tấn, máy cắt gọt kim loại từ 1.866 cái giảm xuống 1.857 cái, xi măng từ 573 ngàn tấn giảm xuống 524 ngàn tấn, vải từ 100,3 triệu mét giảm xuống 89,4 triệu mét, nước mắm từ 89,4 triệu lít giảm xuống 24,29 triệu lít... Có thể thấy, những sản phẩm giảm nhiều là từ 30-50%.

Các sản phẩm tăng lên gồm: máy phát lực diezel từ 1.113 cái tăng lên 1.170 cái; động cơ điện từ 5.712 cái tăng lên 10.206 cái; máy bơm thuỷ lợi từ 1.915 cái tăng lên 2.476 cái; cày, bừa cải tiến từ 214 ngàn cái tăng lên 366 ngàn cái; xe cải tiến từ 59.580 cái tăng lên 90.570 cái; mai, cuốc xẻng từ 1.250 ngàn cái tăng lên 1.998 ngàn cái; máy tuốt lứa từ 1.930 cái tăng lên 3.530 cái; máy xay xát gạo từ 1.150 cái tăng lên 2.480 cái; máy nghiền thức ăn gia súc từ 200 cái tăng lên 1.150 cái; phân bón hoá học từ 144 ngàn tấn tăng lên 182 ngàn tấn; thuốc trừ sâu từ 3.676 tấn tăng lên 7.314 tấn; vôi bón ruộng từ 580 ngàn tấn tăng lên 611 ngàn tấn; chiếu cói từ 2.638 ngàn đôi tăng lên 4.158 ngàn đôi; đồ thuỷ tinh từ 9.531 tấn lên 12.512 tấn; đồ sứ dân dụng từ 53,4 triệu cái tăng lên 60,2 triệu cái; vải màn từ 25,42 triệu mét tăng lên 50,61 triệu mét; nước chấm từ 4,24 triệu lít tăng lên 22,36 triệu lít; mì chính từ 21 tấn lên 67 tấn...

Vào năm 1971 (năm cuối cùng của thời kỳ 3 năm khôi phục sau chiến tranh), việc thực hiện kế hoạch sản xuất đã có tiến bộ hơn, giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã tăng 14% so với kế hoạch đề ra, cụ thể công nghiệp trung ương tăng 17,5% và công nghiệp địa phương tăng 11,2%, nhìn chung, đã vượt so với mức trước chiến tranh 2,7%. Các sản phẩm quan trọng như điện, than, supe lân, vải, giấy... đều vượt kế hoạch nhiều; tuy nhiên, việc vượt này còn do kế hoạch đặt đầu năm dè dặt (hai ngành điện và than đều đặt quá thấp).

Công cuộc khôi phục đang tiến hành được 3 năm thì vào giữa năm 1972 lại bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai. Tuy chiến tranh phá hoại lần này chỉ kéo dài chưa đầy 1 năm, nhưng mức độ huỷ diệt của nó bằng cả 4 năm của lần trước cộng lại. Ngay khi chiến tranh leo thang vừa chấm dứt, Nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ 22 đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục mức sản xuất công nghiệp ngang trước chiến tranh hoặc chí ít bằng năm 1971, để góp phần ổn định đời sống nhân dân sau chiến tranh, củng cố quốc phòng và chi viện tốt cho tiền tuyến, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Công cuộc khôi phục và phát triển công nghiệp lần này tập trung vào một số ngành cơ bản như các ngành sản xuất vật liệu xây dựng và năng lượng; phát triển các ngành cơ khí chế tạo xà lan, tầu kéo, sửa chữa ô tô, xe máy phục vụ cho khôi phục giao thông vận tải; sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; ngoài ra, đẩy mạnh các ngành khai thác cá, muối, nước mắm...

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản công nghiệp trong 3 năm (1973-1975) dự kiến 3 tỷ đồng, gấp hơn 1,2 lần so với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của 6 năm trước (1965-1971); trong đó, vốn cho khởi công các công trình mới là 465 triệu đồng và chiếm 15% vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Riêng năm 1973, dự kiến vốn đầu tư 823 triệu đồng, phân ra cho nhóm A là 615 triệu đồng và cho nhóm B là 206 triệu đồng; vốn xây lắp tăng lên 378 triệu đồng, được ưu tiên cho các ngành: vật liệu xây dựng: 56 triệu đồng (15%), điện: 53 triệu đồng (14%), thực phẩm: 46 triệu đồng (11%), cơ khí: 42 triệu đồng (10%), luyện kim: 23 triệu đồng (7%)... Vốn đầu tư trên hạn ngạch là 200 triệu đồng giành cho khôi phục và tiếp tục các công trình dở dang trong chiến tranh; vốn cho khởi công các công trình mới là 35 triệu đồng.

Những ngành đã thực hiện khôi phục và cải tạo tốt là điện, than, vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa và đóng mới phương tiện vận tải, sản xuất phụ tùng phụ kiện cho khôi phục và phát triển kinh tế.

Nhờ đẩy nhanh tốc độ khôi phục, cải tạo và xây dựng mới, cơ sở vật chất - kỹ thuật và năng lực sản xuất của ngành công nghiệp miền Bắc năm 1975 chẳng những đã được khôi phục mà còn tăng lên đáng kể, không những chỉ thay đổi về lượng mà còn có thay đổi về chất. Tính chung, trong cả thời kỳ 10 năm (1965- 1975), vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho công nghiệp là 4.325 triệu đồng, chiếm 35-37% vốn đầu tư kiến thiết của cả nền kinh tế và gấp 2 lần tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản công nghiệp của thời kỳ 10 năm trước gộp lại (1955-1965). Nhờ thế, tài sản cố định trong công nghiệp tăng 107%, số lượng xí nghiệp công nghiệp quốc doanh tăng từ 1.132 cái lên 1.335 cái, trong đó công nghiệp quốc doanh trung ương tăng từ 205 cái lên 315 cái, công nghiệp quốc doanh địa phương tăng từ 927 cái lên 1.020 cái.

Công tác nghiên cứu khoa học vẫn được chú ý trong những năm chiến tranh, đặc biệt trong thời kỳ khôi phục. Hướng tập trung nghiên cứu là sử dụng các nguyên vật liệu thay thế, chế tạo các sản phẩm mới, cải tiến các sản phẩm đã có, tăng cường công tác quản lý chất lượng và tiêu chuẩn hoá, công bố cấp giấy chứng nhận chỉ tiêu chất lượng, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất, áp dụng các tiến bộ công nghệ mới để tăng hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Những chủ trương và nỗ lực kể trên đã đem lại kết quả khá tốt: Năm 1975, ngành công nghiệp làm ra giá trị sản lượng 4.100 triệu đồng (tính theo giá cũ), tăng 77% so với năm 1965 là năm bước vào chiến tranh phá hoại và gấp 2,8 lần năm 1960. Về tốc độ phát triển giá trị sản lượng công nghiệp, tuy có giảm sút (kể cả giảm sút tuyệt đối) trong giai đoạn 1965-1968, bước sang giai đoạn 1971-1975 đã có sự tăng trưởng khá hơn, đạt tốc độ tăng bình quân 10,3%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp được duy trì ở mức trên 50%, cụ thể là: năm 1965 chiếm 53,3%, năm 1969 chiếm 53,9% và năm 1975 chiếm 55%. Trong khi bị chiến tranh, công nghiệp địa phương và công nghiệp nhẹ đã nhanh chóng vươn lên trong các năm 1966-1970; bình quân hàng năm, công nghiệp nặng chỉ tăng 0,5% thì công nghiệp nhẹ lại tăng 1,5%, công nghiệp trung ương giảm 1,8% thì công nghiệp địa phương lại tăng 3,6%.

Cùng với thắng lợi của khôi phục và phát triển công nghiệp, vào năm 1975, lần đầu tiên nền kinh tế miền Bắc đã đạt được chỉ tiêu “Ba số 5”: đó là 5 triệu tấn than, 5 triệu tấn thóc và 5 triệu con lợn. Điều này thật có ý nghĩa với một nước nghèo vừa ra khỏi chiến tranh ác liệt; đây là căn cứ để đánh giá miền Bắc căn bản hoàn thành công cuộc khôi phục lần thứ ba vào năm 1975.

II. Chuyển hướng tập trung phát triển công nghiệp địa phương

Để phù hợp với tình hình chiến tranh ác liệt, một trong những chuyển hướng quan trọng là phát triển công nghiệp địa phương, làm cho “sự phát triển công nghiệp địa phương thực sự là một bước mới trong sự phát triển công nghiệp nước ta”.

Sáu luận điểm trong nội dung chuyển hướng này là:

- Công nghiệp địa phương có các ưu thế nhờ quy mô nhỏ gọn, dễ phân tán và che dấu;

- Kiến thiết không phức tạp, dựa vào nguồn vốn địa phương, kết hợp với hỗ trợ của trung ương;

- Dựa vào nguồn nguyên liệu tại chỗ, đáp ứng các nhu cầu địa phương;

- Kết hợp kinh tế với quốc phòng, phân bố lại sản xuất công nghiệp;

- Công nghiệp tác động vào nông nghiệp cũng chính là mở rộng thị trường cho công nghiệp;

- Giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách.

Một trong những chủ trương quan trọng khác là xây dựng công nghiệp địa phương toàn diện, lấy đơn vị tỉnh làm địa bàn chủ yếu. Trong đó, công nghiệp có thể bao gồm các ngành chủ yếu như cơ khí, phân bón, thuốc trừ sâu, các xưởng công nghiệp nhẹ về xẻ gỗ, đồ mộc, thuỷ tinh, đường mật, bánh kẹo; ngoài ra, có thể bổ xung một số ngành chế tạo nông cụ cải tiến, máy bơm nước, trung đại tu ô tô, cơ khí quốc phòng. Tiến hành xây dựng điểm cơ khí huyện và các điểm cơ khí sửa chữa xã, kết hợp với xây các trạm phát điện điezel, trạm thuỷ điện nhỏ, trang bị máy hơi nước và khai thác than thủ công. Theo ước tính, mỗi tỉnh sẽ phấn đấu đạt giá trị sản lượng công nghiệp khoảng 90 - 100 triệu đồng, trong đó 70% là hàng hoá tiêu dùng và 30% là hàng hoá tư liệu sản xuất.

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản công nghiệp địa phương tăng nhanh chóng, từ 8,1 triệu đồng năm 1960 tăng lên 40,3 triệu đồng năm 1965 và 150,5 triệu đồng năm 1975; chiếm tỷ trọng trong cơ cấu vốn đầu tư công nghiệp tương ứng là 3,2%, 6,7% và 20%.

III. Sự phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu

3.1. Ngành Điện lực

Điện lực là mục tiêu bị đánh phá ác liệt trong chiến tranh; hầu như 100% các nhà máy điện bị đánh phá, trong đó nhiều nhà máy bị đánh nhiều lần. Khẩu hiệu đặt ra là “giữ vững dòng điện như mạch máu”, tập trung cao độ cho công tác khôi phục nhanh chóng các nhà máy điện, đảm bảo đường điện luôn thông suốt phục vụ kịp thời cho sản xuất và đời sống, kể cả đáp ứng các yêu cầu chiến đấu. Sau cuộc chiến tranh phá hoại lần đầu đã lập tức khôi phục các lò cao số 4 Nhà máy Điện Việt Trì, lò cao số 2 Nhà máy Điện Uông Bí, nồi hơi Nhà máy Điện Yên Phụ và 25 lò cao nhỏ khác, đồng thời phát triển các trạm diezel để cung cấp cho các cơ sở không được dùng điện lưới.

Sau đợt phá hoại lần thứ hai, điện lực cũng là ngành hoàn thành sớm nhất việc khôi phục 100% các nhà máy điện bị hư hỏng vào năm 1974, cải tạo và mở rộng một loạt các nhà máy điện quan trọng: Uông Bí đợt II và III, đưa công suất từ 48 lên 55 MW, Thái Nguyên: công suất 24 MW, Hà Bắc và Việt Trì: công suất 12 MW, hoàn thành xây dựng các nhà máy điện lớn như Nhiệt điện Ninh Bình: 100 MW, Thuỷ điện Thác Bà: 108 MW; chuẩn bị cho xây dựng các nhà máy điện Voi Xô và Phả Lại, mở rộng các trạm biến áp 110 kV Đông Anh, Hà Đông, An Lạc; khôi phục các trạm biến áp Mông Dương, Trình Xuyên và các đường dây 110 kV quan trọng Ninh Bình - Thanh Hoá, Phả Lại - Hải Hưng, đường dây 220 kV Thanh Hoá - Vinh; xây dựng thêm các trạm diezel ở khu 4 cũ, các trạm bù công suất ở các khu công nghiệp lớn và các trạm biến thế phục vụ nông nghiệp.

Số lượng các nhà máy điện đã tăng từ 40 cái năm 1965 lên hơn 50 cái năm 1975. Năm 1975, lần đầu tiên, miền Bắc đạt sản lượng điện 1,34 tỷ kWh, gấp hơn 2 lần mức của 1965, trong đó tỷ lệ điện giành cho sản xuất nông nghiệp tăng từ 2% (1960) lên 6,1% (1965) và 14,8% (1975). Tuy nhiên, việc cung cấp điện còn chưa ổn định do đường dây, trạm biến thế và nhà máy bị đánh hư hỏng nặng, lại khôi phục vội vã, nên không đảm bảo an toàn, hay sụt thế, tỷ lệ hao hụt, mất mát điện lên tới 20%, sự chênh lệch sử dụng điện trong giờ cao điểm là 35 - 40%, các tuyến đường dây quan trọng Đông Anh - Uông Bí và Đông Anh - Hà Bắc hay xảy ra sự cố, các trạm diezel chỉ sử dụng được 70 - 75% công suất, tỷ lệ điện tiêu dùng nội bộ tăng từ 11,4% lên 13,9%.

3.2. Ngành Luyện kim

Ngành này bị đánh phá ác liệt và thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ngành luyện kim đen. Dự kiến sản xuất 20 vạn tấn thép vào kế hoạch 5 năm lần II (1965-1970) đã không thực hiện được. Hầu hết các sản phẩm khác đều giảm sút mạnh: gang từ 127,8 ngàn tấn (1965) giảm xuống 95,1 ngàn tấn (1975), quặng crômit từ 13,1 ngàn tấn xuống 10,4 ngàn tấn, thiếc thỏi từ 436 tấn xuống 263 tấn, riêng thép, năm 1975 bắt đầu sản xuất được 36 ngàn tấn.

Tuy nhiên, trong chiến tranh, miền Bắc đã tranh thủ thời cơ để đào tạo được một đội ngũ cán bộ nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và luyện kim có trình độ, tiến hành khảo sát thăm dò được một trữ lượng trên 200 triệu tấn quặng sắt. Ngay khi chiến tranh vừa kết thúc vào năm 1975, đã bắt tay khôi phục và cải tạo mở rộng khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên với công suất 12 vạn tấn thép và 15 vạn tấn gang/năm, tiếp tục xây dựng Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, khôi phục và mở rộng các mỏ crômite Cổ Định (Thanh Hoá) - 2 vạn tấn, Nhà máy Luyện thiếc Tĩnh Túc - 550 ngàn tấn quặng, mỏ graphit (Yên Bái) - 600 ngàn tấn.

3.3. Ngành Cơ khí

Đây cũng là ngành bị đánh phá nặng nề và giảm sút mạnh trong thời kỳ chiến tranh. Vào quý I năm 1968, một số sản phẩm cơ khí quan trọng đã sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, như bơm nước, rơmooc, lốp ô tô, động cơ điện, tầu kéo, phụ tùng ô tô; sản xuất dụng cụ đồ nghề, nông cụ đã không hoàn thành kế hoạch. Sản xuất, ngoài gặp khó khăn do bom Mỹ đánh phá, còn có những ách tắc do cơ chế quản lý và kinh doanh gây ra. Năm 1970, giặc Mỹ đã ngừng ném bom, nhưng so với năm 1969, sản lượng của ngành vẫn bị giảm nhiều do phải ngừng sản xuất các mặt hàng ứ đọng để chuyển sang sản xuất phụ tùng và sửa chữa.

Trong những năm 1973-1975, đã tiến hành xắp xếp theo nhóm sản phẩm, tập trung đảm bảo sửa chữa nhanh chóng các phương tiện giao thông vận tải, mở rộng mạng lưới các trạm trại cơ khí nông nghiệp, chế tạo các thiết bị cho công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm.

3.4. Ngành Khai thác than

Trong chiến tranh, sản lượng than khai thác bị giảm mạnh và chỉ cung cấp đủ cho các nhà máy điện, thiếu than nghiêm trọng cho các ngành như rèn, đúc, nung vôi, nung gạch... Quý I năm 1968, khai thác đạt 70% kế hoạch và bằng 71% so với cùng kỳ năm trước. Đã vậy, than lại bị ứ đọng nhiều tại nơi khai thác và bến bãi: mỏ than Hòn Gai ứ đọng 248 ngàn tấn, mỏ than Mạo Khê ứ đọng 35 ngàn tấn, các mỏ than Vàng Danh, Phấn Mễ, Bố Hạ, Khánh Hoà, Núi Hồng... đều ứ đọng từ 20 - 90 ngàn tấn. Do đó, lực lượng than dự trữ tại các cảng ăn than còn rất mỏng: cảng Tiên Kiên còn 11 ngàn tấn, cảng Hải Phòng chỉ còn 3,4 ngàn tấn. Các chỉ tiêu chất lượng của ngành bị giảm sút đáng kể: tỷ lệ đất đá trong than sạch tăng lên 17,8 - 18,4%, giá thành sản xuất than tăng từ 27,6 đồng lên 28,8 đồng/1 tấn than; bù lỗ cho ngành than đạt tới mức kỷ lục: 24 triệu đồng.

Sau khi chiến tranh kết thúc, đã khôi phục lại các nhà máy sàng than Hòn Gai: 1 triệu tấn, Cửa Ông: 2 triệu tấn (= 2/3 công suất cũ), khôi phục và cải tạo 3 mỏ than lộ thiên ở Quảng Ninh có công suất 3,5 triệu tấn, xây dựng tiếp mỏ than Mông Dương: 0,9 triệu tấn, các mỏ than Vàng Danh: 1,8 triệu tấn, mỏ than Hà Lầm, Hữu Nghị: 0,3 triệu tấn, mỏ than Phấn Mễ: 10 vạn tấn, khởi công mỏ than Cao Sơn: 2 triệu tấn. Sản lượng ngành than cũng nhanh chóng được khôi phục và có bước nhẩy vọt: Năm 1975, lần đầu tiên miền Bắc đạt sản lượng 5,2 triệu tấn than, vượt 1 triệu tấn so với mức năm 1965; trong đó chủ yếu nhờ vào tăng sản lượng khai thác mỏ than Hòn Gai từ 2,3 triệu tấn (1971) lên 4,1 triệu tấn (1975). Thành tích này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi có thêm than tức là có thêm thức ăn (bánh mỳ đen) cho các ngành công nghiệp khác, cho xuất khẩu, đặc biệt, cho thay thế dần việc đun nấu bằng rơm rạ, lấy rơm rạ làm phân bón trở lại thâm canh lúa.

3.5. Ngành Hoá chất phân bón

Khôi phục, cải tạo và mở rộng các cơ sở quan trọng như Hoá chất Việt Trì: 4.500 tấn, Super phốt phát Lâm Thao đợt II từ 18 lên 30 vạn tấn, Cao su Sao Vàng: 5 vạn bộ lốp ô tô và 3 triệu lốp xe đạp... Xây dựng thêm nhiều nhà máy mới như Phân đạm Hà Bắc: 6 vạn tấn, Phân lân nung chẩy Ninh Bình: 10 vạn tấn, Ắc quy Vĩnh Phú: 6 vạn kWh, các cơ sở nhỏ đắp lốp xe thuộc Bộ Giao thông vận tải, thuộc Tổng cục Hoá chất và thuộc các địa phương. Chuẩn bị khởi công Nhà máy Phân lân nung chẩy Thanh Hoá, công suất 2 vạn tấn...

3.6. Ngành Vật liệu xây dựng

Thời kỳ 1973-1975 đã khôi phục 7 lò xi măng và các công trình phụ trợ của Nhà máy Xi măng Hải Phòng: 80 vạn tấn, tiếp tục xây dựng các nhà máy Xi măng Kiện Khê: 25 vạn tấn, Xi măng Hữu Lũng: 40 vạn tấn, Xi măng Bỉm Sơn đợt I: 60 vạn tấn, Nhà máy Sứ vệ sinh và cách điện Hải Hưng: 4.000 tấn, Nhà máy Kính thiết bị Trung Quốc: 3,5 triệu m2... Hoàn thành xây dựng các cơ sở Gạch Bỉm Sơn, Xuân Hoà, Cao Ngạn, Hợp Thịnh với tổng công suất 200 - 250 triệu viên, các mỏ đá Tràng Kênh, Minh Đức, Kiện Khê, cơ sở Vôi Lạc Quần...

3.7. Ngành Sản xuất hàng tiêu dùng

Ngành này cũng không tránh khỏi có những thời gian sút giảm và căng thẳng về cung ứng hàng hoá tiêu dùng, như giấy viết, chiếu cói, đồ sành sứ thuỷ tinh, đường mật, nước mắm, cá muối... Sau khi chiến tranh kết thúc, đã nhanh chóng khôi phục và cải tạo các cơ sở quan trọng như Dệt 8-3 với công suất 40 triệu m vải, Dệt Nam Định: 60 triệu m vải, Tơ lụa Nam Định: 7 triệu m lụa, Sứ Hải Dương: 2.250 tấn sản phẩm, Bóng đèn Rạng Đông: 7 triệu cái, các nhà máy đường, xay xát, làm rượu... Khởi công xây dựng các nhà máy Dệt Minh Phương (Vĩnh Phú) do Trung Quốc giúp, Giấy Bãi Bằng (Vĩnh Phú) do Thuỵ Điển giúp, Dệt kim Thắng Lợi, May Xuất khẩu, thành lập các quốc doanh đánh cá và cảng cá Hạ Long, Cát Bà, Hải Phòng, Sông Gianh, xây dựng các nhà máy Chè Nghĩa Lộ, Yên Bái, Trần Phú, Cửu Long, các nhà máy in Nhãn hiệu Vĩnh Phú... Các địa phương cũng tự xây dựng nhiều cơ sở nhỏ chế biến chè, bột mì, ngô, khoai, sắn, đậu phụ, nước mắm, rau quả...

IV. Những vấn đề tổ chức và quản lý công nghiệp

4.1. Cải tiến công tác kế hoạch hoá

Cải tiến công tác kế hoạch hoá được tiến hành theo hướng giảm hệ thống các chỉ tiêu pháp lệnh và thu hẹp danh mục các mặt hàng chủ yếu, tăng sự tự chủ cho cơ sở. Hướng cải tiến là: Nhà nước phát chỉ tiêu hướng dẫn vào đầu năm, kết hợp với bổ sung xây dựng kế hoạch từ cơ sở, chỉ sau đó kế hoạch mới trở thành pháp lệnh; Nhà nước khuyến khích xí nghiệp nêu kế hoạch vượt chỉ tiêu hướng dẫn, đồng thời gắn chỉ tiêu số lượng với chỉ tiêu chất lượng, thu hẹp danh mục sản phẩm chủ yếu và hệ thống các chỉ tiêu pháp lệnh. Theo quy chế mới, kế hoạch cơ sở bắt buộc 9 chỉ tiêu pháp lệnh:

(1). Giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện;

(2). Sản lượng sản phẩm chủ yếu về mặt hiện vật;

(3). Giá trị sản lượng hàng hoá xuất khẩu (nếu có);

(4). Năng suất lao động một công nhân viên về mặt giá trị và hiện vật;

(5). Tổng quỹ lương;

(6). Mức và tỷ lệ hạ giá thành hàng hoá có thể so sánh được;

(7). Lãi và các khoản nộp Ngân sách;

(8). Vốn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà nước cấp;

(9). Thời gian và công suất huy động thiết bị vật tư kỹ thuật chủ yếu Nhà nước cấp;

4.2. Cải tiến quản lý tài chính

Thay chế độ “thu đủ chi đủ” bằng chế độ “lấy thu bù chi” và thực hiện kinh doanh có lãi; áp dụng phân phối lợi nhuận và xây dựng giá bán buôn xí nghiệp theo hướng khắc phục lối hành chính cung cấp, khuyến khích xí nghiệp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng mức doanh lợi.

Trước hết, Nhà nước ban hành chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, nhằm phân phối hợp lý giữa phần tài chính tập trung và bộ phận để lại cho xí nghiệp. Chế độ phân phối này chỉ được áp dụng sau khi xí nghiệp đã hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh, lãi và các khoản nộp Ngân sách. Mức trích lập 3 quỹ sẽ căn cứ vào thực hiện 3 chỉ tiêu là giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện, sản phẩm chủ yếu và tổng quỹ lương.

4.3. Cải cách các thể lệ tài chính xí nghiệp và vận dụng các đòn bẩy kinh tế

Giải pháp này được tiến hành nhằm nâng cao trách nhiệm vật chất. Quy chế mới về việc cấp phát và quản lý vốn lưu động sẽ căn cứ vào định mức vốn lưu động cần thiết cho xí nghiệp. Nhà nước chỉ cấp một lần phần tối thiểu bằng 70% vốn lưu động định mức (hay còn gọi: vốn tự có). Hàng năm, nếu cần tăng vốn lưu động thì được bổ sung bằng lợi nhuận xí nghiệp và vay ngân hàng. Sửa đổi quản lý vốn lưu động trên cơ sở tăng tỷ lệ khấu hao đối với toàn bộ vốn lưu động nhằm đề cao trách nhiệm của xí nghiệp về lỗ lãi, do ảnh hưởng của bảo dưỡng, sửa chữa và hiện đại hoá máy móc, thiết bị.

Về thể thức thanh toán mới, áp dụng các hình thức uỷ nhiệm chi, thanh toán chấp nhận, thanh toán bằng séc, thanh toán bằng thư tín dụng (hay còn gọi là thanh toán nhận trước trả sau, trả trước nhận sau, trả ngay khi nhận, trả thông qua ngân hàng); thực hiện phạt vi phạm thể thức thanh toán với mức từ 0,025 - 5%, trường hợp nghiêm trọng có thể truy tố.

4.4. Cải tiến công tác kế toán xí nghiệp

Công tác kế toán tại doanh nghiệp được cải tiến theo phương pháp kế toán nhật ký chứng từ, nhằm thúc đẩy hoàn thiện hạch toán kinh tế cơ sở. Kế toán nhật ký chứng từ là một phương pháp kế toán tiên tiến, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc:

- Tập hợp và hệ thống hoá các nghiệp vụ kinh tế phát sinh ở bên “Có” của các tài khoản, đồng thời phân tích các nghiệp vụ đó theo các tài khoản đối ứng ở bên “Nợ”;

- Kết hợp ghi chép các nghiệp vụ kinh tế theo một trình tự thời gian với việc hệ thống hoá các nghiệp vụ này theo nội dung kinh tế (tài khoản kế toán);

- Kết hợp hạch toán tổng hợp với hạch toán chi tiết các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên cùng một sổ sách kế toán và trong cùng một quá trình ghi chép;

- Trong sổ sách kế toán, hệ thống hoá việc ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo những chỉ tiêu cần thiết cho việc lập các báo biểu kế toán và cho việc phân tích, kiểm tra các hoạt động kinh tế - tài chính của đơn vị;

- Bắt buộc dùng các mẫu sổ sách đã in sẵn các quan hệ đối ứng của các tài khoản và hệ thống chỉ tiêu hạch toán chi tiết.

Như vậy, so với phương pháp kế toán cũ, phương pháp kế toán mới cho phép hoàn chỉnh hệ thống các tài khoản ghi chép, hoàn chỉnh hệ thống sổ sách và thông tin kinh tế ban đầu, đảm bảo công tác thống kê - kế toán xí nghiệp được tổ chức theo nghiệp vụ thống nhất, thực hiện chế độ kế toán trưởng và kiểm tra chặt chẽ các báo cáo định kỳ như là các công cụ thúc đẩy thực hiện hạch toán kinh tế xí nghiệp.

Cùng với công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, việc cải tiến hệ thống tổ chức và quản lý toàn ngành công nghiệp cũng là một nội dung lớn đề ra trong giai đoạn này. Từ năm 1955, Bộ Công nghiệp được tách ra từ Bộ Công Thương cũ. Năm 1960, Bộ này đuợc phân ra thành Bộ Công nghiệp Nặng và Bộ Công nghiệp Nhẹ. Đến năm 1969, từ 2 Bộ này lại thành lập 5 cơ quan mới là các Bộ Điện và Than, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Lương thực và Thực phẩm, Bộ Công nghiệp Nhẹ, Tổng cục Hoá chất.

V. Nhìn lại chặng đường 10 năm công nghiệp hóa

Thời kỳ xây dựng và phát triển công nghiệp miền Bắc giai đoạn 10 năm sau cùng (1965-1975) là thời kỳ đầy cam go và thử thách, đan xen giữa hoà bình và chiến tranh. Thành quả căn bản của thời kỳ này là miền Bắc đã tạo dựng được những cơ sở ban đầu cho công nghiệp hoá, công nghiệp có tác dụng thúc đẩy các ngành kinh tế quốc dân phát triển, ổn định đời sống nhân dân trong chiến tranh, góp phần chi viện cho công cuộc kháng chiến thắng lợi vào mùa xuân năm 1975. Nếu nhìn sự phát triển này không chỉ ở những thành tựu, mà so sánh với những nguồn lực đã bỏ ra, thì thấy rằng hiệu quả đầu tư chưa cao.

Mô hình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và cơ chế kế hoạch hoá tập trung đã tạo nên sức mạnh, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhiều nhược điểm; nó đã để lại nhiều thành quả và cả những hệ luỵ trong nhiều thập kỷ sau này. Có thể khái quát mô hình đó trên những đặc điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Trong mô hình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa cổ điển, công nghiệp được coi như xương sống của hệ thống kinh tế, được tập trung cao độ vào tay Nhà nước và đặc biệt, ưu tiên cao độ cho công nghiệp nặng. Phát triển công nghiệp nặng về nguyên tắc đòi hỏi những nguồn vốn to lớn nhưng chậm sinh lợi, chậm thu hồi. Chính cơ chế kế hoạch hoá hành chính tập trung và nguồn viện trợ to lớn đã cho phép huy động và thực hiện yêu cầu đó.

Thứ hai, bạn đồng hành của mô hình kế hoạch hóa tập trung là tính bao cấp, hành chính, quan liêu. Đến lượt nó, các căn bệnh này là căn nguyên của cái gọi là "kinh tế thiếu hụt".

Thứ ba, xí nghiệp là đơn vị cơ sở và tế bào kinh tế, nhưng lại không phải là chủ thể sở hữu, nên cũng không còn là chủ thể của thị trường. Kế hoạch nhà nước tập trung đã quy định mọi mặt hoạt động của nó. Xí nghiệp ở trong tình thế thụ động, không có khả năng và nhu cầu phản ứng linh hoạt với nhu cầu và thị trường. Trong những điều kiện như thế thì hạch toán kinh tế trở nên hình thức, vì thiếu giá cả, thiếu giá thành và hạch toán độc lập.

Như vậy, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và cơ chế kế hoạch hoá tập trung ở giai đoạn này tập trung cho nhiệm vụ chính là phục vụ cho chiến tranh giải phóng dân tộc, còn yếu tố lợi nhuận và hiệu quả kinh tế chỉ là thứ yếu. Nó chỉ được chiến tranh tạm thời che lấp và làm cho trầm trọng thêm, bộc lộ công khai thành cuộc khủng hoảng sâu sắc trong giai đoạn (1976-1986) - đây là sự khủng hoảng mô hình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Điều này lý giải vì sao ngay từ khi ra đời, mô hình và cơ chế này đã luôn phải sửa chữa, điều chỉnh và cải tiến, để cuối cùng đưa tới công cuộc đổi mới sâu sắc: đổi mới trong chính mô hình và cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa - con đường tất yếu để thoát khỏi khủng hoảng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong những điều kiện mới.

B. Trong lĩnh vực thương mại

I. Những chủ trương lớn trong phát triển thương mại

Các hoạt động thương mại thời kỳ này làm nhiệm vụ hậu cần cho sản xuất, chiến đấu. Các hoạt động xuất khẩu diễn ra không nhiều, các hoạt động ngoại thương chủ yếu là nhập khẩu. Trong các hoạt động nhập khẩu, việc dùng ngoại tệ của Nhà nước để trao đổi, mua bán hàng hóa rất ít. Nhập khẩu thực chất là sự tiếp nhận viện trợ của các nước bên ngoài.

Nhiệm vụ của kinh tế đối ngoại nói chung và của ngoại thương nói riêng, trước hết và chủ yếu là tranh thủ tới mức cao nhất viện trợ quốc tế, kịp thời đưa hàng nhập khẩu về nước để tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, duy trì và phát triển sản xuất, phục vụ chiến đấu, chi viện cho miền Nam.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá các thành phố, thị xã, thị trấn, các cửa khẩu biên giới, các vùng đông dân, các cầu cống trên các tuyến đường bộ, đường sắt, bao vây, phong tỏa các cảng biển, uy hiếp tàu nước ngoài ra vào cảng Hải Phòng, nhằm làm cho lưu thông hàng hóa trong nội địa bị rối loạn, hạn chế các luồng hàng xuất khẩu, nhập khẩu, ngăn cản việc tiếp nhận viện trợ quốc tế. Thực hiện khẩu hiệu “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tất cả vì thống nhất tổ quốc”, ngành thương nghiệp miền Bắc đã chuyển hướng hoạt động phục vụ chiến đấu, sản xuất, dân sinh với hai mục tiêu chính:

1. Xây dựng phát triển kinh tế địa phương, giải quyết tại chỗ các nhu cầu ở địa phương, góp phần củng cố hậu phương vững mạnh.

2. Bảo đảm yêu cầu chiến đấu của tiền tuyến, đáp ứng các nhu cầu cơ bản về đời sống của nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, đối tượng trực tiếp của không quân Mỹ, đã đối đầu thắng lợi với quân địch, không ngừng lớn mạnh trong khói lửa chiến tranh, nhiều cán bộ, nhân viên thương mại quốc doanh đã anh dũng hy sinh trên mặt trận khốc liệt này.

Việc đảm bảo cung ứng hàng thiết yếu theo định lượng với giá cả ổn định đã góp phần ổn định đời sống của nhân dân, phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển, động viên sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thương nghiệp quốc doanh thực sự là hậu cần đắc lực cho quân đội.

Xây dựng hệ thống thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán lớn mạnh, ngày càng giữ vai trò quyết định trên thị trường, là một yếu tố rất quan trọng, bảo đảm thực hiện chính sách kinh tế - tài chính của Chính phủ trong thời kỳ toàn dân kháng chiến chống Mỹ.

Thương nghiệp miền Bắc đã duy trì xuất khẩu, tăng cường nhập khẩu trong khói lửa chiến tranh, góp phần làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ bao vây, phong tỏa miền Bắc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biện pháp có tính chiến lược là tranh thủ sự viện trợ quốc tế, nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, tiềm lực kinh tế; duy trì và phát triển sản xuất theo phương châm vừa sản xuất, vừa chiến đấu; bảo đảm các nhu cầu cơ bản của nhân dân, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến.

Phương châm ngoại thương của nước ta trong thời kỳ này vẫn là tranh thủ sự giúp đỡ, nhưng vẫn phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh.

Sau 1973, ngành Thương mại phải chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, ra sức thu mua nắm nguồn hàng để trang trải cho nhu cầu của sản xuất và đời sống ở miền Bắc, tăng nhanh khối lượng hàng hóa đưa ra tiền tuyến và cung ứng cho vùng mới giải phóng ở miền Nam.

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu luôn được duy trì trong thời gian 1965-1975. Luồng giao thông này bị tắc thì luồng giao thông khác được mở, mọi loại phương tiện đường biển, đường sắt, đường bộ đều được huy động vào cuộc chiến tranh khốc liệt này.

Làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ bao vây, phong tỏa miền Bắc là một thành tựu quan trọng của miền Bắc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước trong khói lửa chiến tranh là thành tựu có tầm chiến lược của thương nghiệp miền Bắc, chủ yếu của thương nghiệp quốc doanh trong thời kỳ lịch sử khó khăn này.

II. Hệ thống tổ chức và hoạt động thương mại nội địa trong điều kiện chiến tranh ác liệt

Giai đoạn 1965-1975, thương mại nội địa đã chuyển hướng từ hoạt động trong điều kiện thời bình sang điều kiện có chiến tranh. Từ nhiệm vụ phục vụ sản xuất và dân sinh sang hai nhiệm vụ, vừa phục vụ sản xuất và dân sinh vừa phục vụ chiến đấu; từ hoạt động tập trung sang hoạt động phân tán (nguồn hàng, màng lưới, kho tàng…); từ tình hình cung cầu hàng hóa tương đối cân đối sang tình trạng mất cân đối lớn, nhưng vẫn phải bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất của đời sống nhân dân; phải thực hiện việc phân phối nguồn hàng hoá hạn hẹp một cách công bằng, hợp lý nhất, theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng người không yên”. Trên cơ sở đó, giữ cho thị trường hậu phương lớn tương đối bình ổn, bồi dưỡng sức dân để sản xuất và chiến đấu lâu dài; đồng thời làm tròn nghĩa vụ chi viện cho tiền tuyến lớn.

Từ những đặc điểm tình hình nêu trên, nhiệm vụ giao cho ngành Nội thương lúc này là:

- Tận lực chi viện đầy đủ, kịp thời cho tiền tuyến.

- Bảo đảm đáp ứng nhu cầu chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

- Phục vụ và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nhằm thực hiện đến mức cao nhất hậu cần tại chỗ.

- Ra sức bảo đảm những nhu cầu hàng hoá thiết yếu nhất của nhân dân; bồi dưỡng sức dân để sản xuất và chiến đấu lâu dài.

- Tăng cường lãnh đạo và quản lý thị trường trong hoàn cảnh có chiến tranh.

- Duy trì chế độ quản lý kinh doanh xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình có chiến tranh.

Trên cơ sở đó, ngành Thương mại coi việc phấn đấu điều hòa ổn định cung - cầu trên thị trường là một trong những yêu cầu cơ bản của công tác quản lý thị trường và thông qua các hoạt động của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, thị trường có tổ chức đã phát huy được tác dụng chi phối thị trường không có tổ chức, hạn chế được khả năng biến động thất thường của cung cầu và giá cả suốt cả thời kỳ có chiến tranh. Cùng với việc tranh thủ viện trợ quốc tế, tiếp nhận, vận chuyển sơ tán và bảo vệ tốt vật tư hàng hoá, ngành Thương mại đã có nhiều cố gắng tập trung cao độ nguồn hàng vào tay Nhà nước trong điều kiện kinh tế bị phân tán do chiến tranh, đồng thời bám sát thực tế, phục vụ và duy trì sản xuất, nhất là kinh tế địa phương.

Những khó khăn mà ngành Nội thương gặp phải trong thời gian này là:

- Cung cầu hàng hoá mất cân đối nghiêm trọng.

- Giao thông vận tải khó khăn, gây trở ngại lớn cho cả việc lưu chuyển hàng hoá trong nước và việc tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu.

- Màng lưới cửa hàng, kho tàng phải bố trí lại theo hướng phân tán về nông thôn. Cơ sở vật chất kỹ thuật bị đánh phá hoặc không còn sử dụng được.

- Phương thức hoạt động cũ không còn phù hợp, phải xây dựng phương thức hoạt động mới cả về tổ chức nguồn hàng và phân phối hàng hoá.

Trong thời gian 3 năm sau chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, mặc dù nguồn hàng có nhiều khó khăn do sản xuất trong nước đang trong quá trình khôi phục và phát triển, nguồn hàng viện trợ và nhập khẩu giảm nhiều, nhưng ngành Thương mại đã có những cố gắng đáng kể trong công tác thu mua, tập trung nguồn hàng, cải tiến chế độ phân phối hàng hoá, đảm bảo đời sống cán bộ và nhân dân lao động sau chiến tranh, nhất là đã quan tâm thường xuyên đến việc bảo đảm mức cung cấp lương thực, thực phẩm cho người làm công ăn lương của Nhà nước. Giai đoạn 1965-1975, các hoạt động kinh tế nói chung và thương mại nói riêng không chỉ phải tuân theo các quy luật kinh tế, mà còn bị chi phối rất lớn (có lúc gần như toàn bộ) bởi yêu cầu khắc nghiệt của chiến tranh. Dù bị giặc phong tỏa, nhưng Ngành vẫn bảo đảm cung cấp những hàng hóa thiết yếu như, lương thực, thực phẩm, vải, dầu hỏa, đường... theo định lượng cho nhân dân và lực lượng vũ trang. Lượng hàng hóa sản xuất trong nước được đưa vào lưu thông qua thu mua của ngành Thương mại được thể hiện qua những số liệu sau: Nếu lấy năm 1975 so với năm 1964 thì tổng giá trị thu mua hàng trong nước đạt 158,2%, trong đó hàng công nghiệp đạt 183,4% và hàng nông sản đạt 147,7%. Nguồn hàng thu mua trong nước lúc này bằng 60 - 70% tổng mức bán lẻ của thị trường có tổ chức. Còn thị trường có tổ chức đã nắm được 75 - 80% tổng mức bán lẻ toàn xã hội.

Thị trường tự do về nguyên tắc không được thừa nhận trong mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ở phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức, Triều Tiên, Trung Quốc, gần như không có thị trường tự do. Riêng Việt Nam lại có một đặc thù riêng, vì những nguyên nhân khách quan nhất định nên thị trường tự do luôn tồn tại, trước trong và cả sau khi cải tạo thương nghiệp tư nhân.

Có một điểm quan trọng trong thời kỳ này không thể không nói đến, đó là những chiến công trên mặt trận tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, vật tư, bảo vệ kho tàng và trực tiếp chiến đấu của các đơn vị trong ngành. Ngày 01/8/1969 Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Bộ Vật tư, tiếp đó, ngày 19/8/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 146/CP quy định chức năng và bộ máy của Bộ này. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Vật tư trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đảm bảo đời sống sản xuất cho nhân dân. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn này, Bộ Vật tư cung ứng khoảng 1.500 xe vận tải các loại, có năm tới 7.000 xe (thời kỳ 1961-1964 chỉ cấp khoảng 100 xe một năm) cùng với hàng chục vạn tấn xăng dầu, hàng vạn tấn kim khí, hàng vạn tấn hoá chấthàng vạn km cáp các loại và hàng nghàn máy móc thiết bị… phục vụ sản xuất và chiến đấu

2.1. Các hình thức thương mại nội địa.

Hệ thống thương nghiệp thời kỳ này không phải là cơ sở kinh doanh, nhân viên thương nghiệp không phải là những nhà kinh doanh mà là người phục vụ xã hội. Ngành thương nghiệp luôn chú ý giáo dục nhân viên về tinh thần, tác phong phục vụ văn minh thương nghiệp. Do đặc thù của thời kỳ này nên thương nghiệp là một tổ chức xã hội, một mặt do kế hoạch của Nhà nước quy định, mặt khác dựa trên tinh thần phục vụ nhân dân. Trong điều kiện cung nhỏ hơn cầu, thì kế hoạch phải được thực hiện thông qua hệ thống tem phiếu, cung quyết định cầu.

Trong giai đoạn này, nếu xét những ngành hàng cụ thể có thể thấy điểm bán lẻ nhiều nhất là công nghệ phẩm, sau đó là lương thực và thực phẩm.

Trong giai đoạn 1965-1975, màng lưới chợ nông thôn và truyền thống vẫn tồn tại và phát triển bình thường. Cũng có thể nói, đó là một mảng trời yên ổn nhất của thị trường tự do. Phần lớn hàng hoá trên các chợ nông thôn là tự sản tự tiêu, ở đó, người sản xuất trực tiếp bán cho người tiêu dùng. Vai trò của thương nhân tuy có nhưng không lớn. Cũng vì tính chất đó cho nên Nhà nước chưa bao giờ có chủ trương xoá bỏ chợ nông thôn. Chợ nông thôn vẫn là hiện tượng hợp pháp. Chính quyền địa phương không những không ngăn cấm mà còn có nhiều biện pháp giúp đỡ chợ nông thôn. Nhiều địa phương đã dành kinh phí để xây lại, lợp lại các quán chợ. Có địa phương còn chủ động mở thêm các chợ mới. Nhờ có chợ mà thu được thuế, có thêm nguồn kinh phí cho địa phương.

Khác với các chợ nông thôn, chợ thành phố thời kỳ 1965-1975 có nhiều thay đổi. Thời trước, những chợ này chủ yếu là để tiểu thương bán. Nhưng từ sau cuộc cải tạo công thương nghiệp, quá phân nửa của trung tâm chợ là các cửa hàng quốc doanh, tức các công ty chuyên doanh.

Có một loại chợ có vai trò gạch nối giữa chợ nông thôn và chợ thành thị là những chợ buôn bán nông sản. Nông sản từ nông thôn ra thành thị không thể theo nguyên tắc tự sản tự tiêu như ở chợ nông thôn, mà phải qua tay thương nhân. Những người buôn hàng chuyến (có khi kiêm cả xe thồ) đã tạo ra những luồng hàng ổn định theo mùa và theo tuyến để đưa nông sản về thành phố.

Giai đoạn 1965-1975, hợp tác xã mua bán có một bước phát triển mạnh, mà cao điểm là năm 1968, với 10.628 hợp tác xã. Từ thời bình sang thời chiến, để tăng cường lực lượng hàng hoá, các phương thức hoạt động mua bán cũng được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện có chiến tranh. Cụ thể là chuyển các hoạt động mua bán ở những điểm cố định sang hoạt động lưu động, bám sát những nơi có nhu cầu mới phát sinh để phục vụ.

Quản lý thị trường thời kỳ này khá chặt. Nguồn hàng cung cấp cho tư thương không nhiều, chủ yếu là: quần áo may sẵn, mũ, nón gương lược, vàng hương, sành sứ, một số mảnh vải lẻ, dây chun, cặp tóc thắt lưng, cúc áo… Đối với một số mặt hàng quan trọng mà Nhà nước quản lý thì hoạt động càng phải lén lút.

Lĩnh vực ăn uống có phần phong phú hơn trước thời kỳ 1965. Các hàng phở, bún, bánh miến hàng cơm xuất hiện nhiều. Đăc biệt là quán nước chè vỉa hè là hình ảnh tiêu biểu của dịch vụ tư nhân Hà Nội thời đó.

Về dịch vụ thời kỳ này, phải kể đến một loạt ngành nghề đơn giản, nhưng rất cần thiết cho cuộc sống lúc đó và cũng rất đặc trưng trong điều kiện hiện tại.

Điển hình là các ngành nghề: cán mỳ sợi, chế biến bánh quy gai, quy xốp; dịch vụ nước sôi; dịch vụ nấu cơm, dịch vụ vá chữa quần áo; bơm mực bút bi; đắp lốp; đắp líp, đắp đĩa; lộn xích; hạ vành, rút lốp…

Thực hiện việc bán hàng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, mâu thuẫn, cung cầu ngày càng mât cân đối, trong khi phải giữ giá cả ổn định, phải thực hiện nhiều chính sách đối với nhiều loại đối tượng phục vụ… Từ đó phát sinh hàng loạt những hình thức phân phối như: Chế độ cấp định lượng; Chế độ bán phân phối không định lượng; Xét duệt và tổ chức thực hiện chế độ tem phiếu; Bán lẻ bình thường.

Đối với chế độ tem phiếu, bản thân tem phiếu mang chức năng và giá trị của tiền tệ nên việc in, phát hành và quản lý chúng cũng phải tuân thủ các nguyên tắc như đối với tiền giấy. Ngay việc vận chuyển cũng đòi hỏi nghiêm ngắt giống như vận chuyển tiền.

Việc quản lý và cấp phát tem phiếu là một việc làm vô cùng phức tạp. Nó càng phức tạp vì thời đó hoàn toàn dùng phương pháp tính toán và thống kê thủ công, tốn nhiều giấy mực và nhân lực. Hệ thống tem phiếu có rất nhiều chủng loại. Mỗi loại lại có nguyên tắc và chế độ cấp phát khác nhau, cho các đối tượng khác nhau. Có loại tem phiếu căn cứ theo mức lương, chức vụ, cấp bậc lao động, có loại căn cứ theo độ tuổi nhân khẩu, có loại chỉ giới hạn cho CBCNVC và nhân dân thành thị, có loại lại mở rộng cho toàn thể nhân dân... Mà đối tượng hưởng theo mỗi loại tem phiếu đó lại thường xuyên thay đổi theo xu hướng ngày càng tăng lên. Cụ thể năm 1965, số dân phi nông nghiệp chỉ là 3,105 triệu người và tổng số CNVC là 971 nghìn người. Nhưng đến năm 1975, số dân phi nông nghiệp đã tăng lên 5,125 triệu người (tăng 64,5%) và CNVC là 1,753 triệu người (tăng 80%).

Theo quy định, mỗi năm cấp tem phiếu một lần. Nhưng trong năm lại phát sinh những trường hợp sinh, tử, cưới xin, tăng tuổi, bệnh tật,... nên phải cấp phát và điều chỉnh liên tục.

Chính vì sự phức tạp đó, nên việc cấp phát và quản lý tem phiếu đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành: Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Bộ Nội thương, Bộ Lương thực, UBND các cấp, cơ quan chủ quản đương sự, công an, công đoàn, có khi cả Hội Liên hiệp phụ nữ... Từ đó đã hình thành cả một hệ thống những người làm công việc quản lý và cấp phát tem phiếu từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành lên tới trung ương, từ các cơ quan, xí nghiệp, công trường, trường học lên các sở, bộ... Số nhân sự chuyên trách quản lý và cấp phát tem phiếu tại các địa phương được liên Bộ Nội thương – Lao động quy định như sau:

Phân vùng

Số người quản lý tối thiểu

 Thành phố Hà Nội và Hải Phòng

 8 - 10 cán bộ, nhân viên

 Cấp quận, huyện

 2 cán bộ chuyên trách

 Các tỉnh hơn 1 triệu dân

 6 cán bộ nhân viên

 Các tỉnh khác

 5 - 6 cán bộ

 Cấp phường, thị xã

 1 cán bộ chuyên trách

 
2.2. Về hoạt động ngoại thương.
Ngoại thương của Vịêt Nam giai đoạn 1965-1975 có 3 đặc điểm cơ bản, đó là: Nhà nước độc quyền trong các hoạt động ngoại thương; Bao cấp cho các hoạt động ngoại thương và Cơ chế xuất nhập khẩu chủ yếu là vay nợ và viện trợ.

Ngày 21/4/1958, trong kỳ họp khoá VIII, Quốc Hội đã quyết định chia Bộ Thương nghiệp ra làm 2 bộ là Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương.

Ở trung ương, Bộ Ngoại thương là cơ quan cao nhất, và có trách nhiệm quản lý toàn bộ công tác ngoại thương theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch của ngoại thương, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ nhập khẩu…

Trách nhiệm của Bộ Ngoại thương lúc này là:

- Đàm phán các hợp đồng thương mại có lợi nhất cho ta để phát huy cao nhất hiệu quả của các hiệp định thương mại và viện trợ với các nước ngoài;

- Đàm phán và đôn đốc lịch giao hàng của Bạn và kế hoạch vận chuyển hàng về nước sao cho đủ số lượng, đúng chủng loại, đảm bảo thời gian theo yêu cầu của kế hoạch trong nước, nhất là đối với các loại vật tư chiến lược, như xăng dầu, phân bón, hoá chất…

- Cố gắng để mở rộng quan hệ ngoại thương với các nước.

Nhập khẩu là một hoạt động rất quan trọng trong ngành ngoại thương. Giai đoạn 1965-1975, các hoạt động nhập khẩu đã có ảnh hưởng to lớn tới các ngành kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và đời sống nhân dân. Chính vì vậy mà việc định ra kế hoạch nhập, phân phối và định giá các mặt hàng được coi là khâu quan trọng và chủ chốt nhất trong các hoạt động kinh doanh nhập khẩu.

Giai đoạn 1965-1975, vai trò của nhập khẩu đối với kinh tế là rất lớn. Điều này được thể hiện trên 3 phương diện cơ bản: vai trò đối với công nghiệp, nông nghiệp giao thông vận tải và đời sống nhân dân.

Năm 1965, xét theo cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, thiết bị toàn bộ được nhập nhiều nhất vào năm này: 53.886.647 R. Máy phương tiện vận tải nhập dồn vào năm 1965 là 88.632.610 R.

Thời kỳ 1966-1972: Giai đoạn này chiến tranh ở hai miền Nam và Bắc diễn ra gay go ác liệt, các cơ sở công nghiệp, các nhà máy xí nghiệp đều phải vừa lo sản xuất, vừa lo di chuyển địa điểm đến những nơi an toàn. Cuộc sống của nhân dân trong thời kỳ này diễn ra hết sức khó khăn, các mặt hàng phục vụ đời sống thiếu thốn đủ bề, do các nhà máy xí nghiệp bị đánh phá nghiêm trọng. Ngành ngoại thương thời kỳ này phải lo nhập khẩu những mặt hàng quan trọng để phục vụ cho đời sống của nhân dân.

Trong 7 năm, từ 1966-1972, tổng giá trị nhập khẩu là 3.006.199.000 R, thiết bị toàn bộ: 500.285.000 R, chiếm 7,4%, thiết bị lẻ: 520.207.000 R, chiếm 17,2%, dụng cụ phụ tùng 148.308.000 R, tương đương 10%, nguyên nhiên vật liệu 724.522.100 R, chiếm 24%, vật phẩm tiêu dùng 974.230.000 R, chiếm 32,4%.

Tổng giá trị nhập khẩu trong 3 năm (1973-1975) là 1.964.028.000 R, so với giá trị nhập khẩu của 20 năm (1955-1975), chiếm 29%. Xét theo cơ cấu của từng nhóm hàng, thiết toàn bộ chiếm 15%, dụng cụ phụ tùng chiếm 8%, nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 33%, vật phẩm tiêu dùng chiếm 29%. Trong thời kỳ này, Việt Nam nhập rất nhiều nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ để khôi phục kinh tế và khôi phục các hoạt động sản xuất trong các nhà máy xí nghiệp. Nhóm hàng tiêu dùng vẫn nhập nhiều, nhưng không còn đứng đầu bảng như ở thời kỳ trước. Trong 3 năm, từ 1973-1975, giá trị nhập khẩu là cao nhất trong vòng 20 năm từ 1955-1975

Công tác nhập khẩu đã cung cấp thiết bị để khôi phục và mở rộng xây dựng mới hàng trăm nhà máy xí nghiệp. Trong vòng 10 năm (1965-1975) nhờ các mặt hàng nhập khẩu thiết bị lẻ và thiết bị toàn bộ, Nhà nước đã tiến hành bổ sung, trang bị thêm cơ sở vật chất cho các nhà máy, xí nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất.

Nói về các hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn này, đã đóng góp được một phần trong việc mở rộng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước ngoài. Trước năm 1965, thị trường buôn bán còn hạn hẹp, tuy nhiên sau một thời gian dài hoạt động, giai đoạn 1965-1975, thị trường xuất khẩu đã ngày một mở rộng. Năm 1955, các hoạt động xuất khẩu chỉ được thực hiện bó hẹp trong thị trường 10 nước, đến 1969 đã tăng lên 30 nước.

Đối với kim ngạch xuất khẩu trong thời kỳ này có năm tăng, năm giảm. Năm 1975, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 129.700 (đv: 1.000.R). Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu của giai đoạn 1965-1975 bình quân có tăng, mặt hàng có phong phú hơn, nhưng do nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng nên xuất khẩu luôn thấp hơn nhập khẩu. Do ngoại thương luôn ở trong tình trạng nhập siêu nghiêm trọng, nên từ 1965-1968, xuất khẩu chỉ chiếm 16,5% kim ngạch nhập khẩu, từ 1969-1971, xuất khẩu bằng 11,2% kim ngạch nhập khẩu. Cũng trong thời gian này, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ xấp xỉ bằng số tiền nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phương tiện máy móc lẻ và hàng tiêu dùng. Còn hầu hết thiết bị toàn bộ, trang thiết bị, thiết yếu để công nghiệp hóa đều phải dùng tiền viện trợ và tiền vay của các nước XHCN.

III. Đánh giá chung 10 năm hoạt động Thương mại.

Tóm lại, giai đoạn 1965-1975, các hoạt động kinh tế nói chung và thương mại nói riêng không chỉ phải tuân theo các quy luật kinh tế, mà còn bị chi phối rất lớn (có lúc gần như toàn bộ) bởi yêu cầu khắc nghiệt của chiến tranh.

Mạng lưới kho tàng, cửa hàng thương nghiệp bố trí trong thời bình không còn thích hợp với thời chiến, nay lại phải phân bố lại cho cho phù hợp để phòng địch đánh phá và đảm bảo cho các cấp, các nơi ít nhiều đều có dự trữ. Kế hoạch lưu chuyển hàng hoá được bố trí lại cho phù hợp với quan hệ cung - cầu mới. Cùng với việc cố gắng tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng nhập, cán bộ công nhân viên toàn Ngành đã lăn lưng cùng với các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, địa phương khắc phục mọi khó khăn để giữ vững sản xuất. Hệ thống thương nghiệp quốc doanh đã mở thêm nhiều điểm bán hàng ở những nơi mở đường giao thông mới, nơi cơ sở sản xuất và dân cư sơ tán. Số cửa hàng năm 1965 tăng 60% so với năm 1964, trong đó ở Khu 4 tăng gần 95% và mạng lưới công cộng tăng gần 89%. Mạng lưới cơ sở hợp tác xã mua bán được phát triển mạnh trên địa bàn các xã, tăng quầy hàng của hợp tác xã mua bán ở nông thôn lên gấp đôi. Toàn Ngành đã dốc mọi lực lượng để bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước trước sự tàn phá của bom đạn địch. Hệ thống thương nghiệp có mặt ở khắp nơi, ngay bên mâm pháo, vì thế, Ngành đã hạn chế được nhiều thiệt hại, số tiền và hàng mà ngành Thương nghiệp quản lý bị tổn thất được hạn chế tới mức thấp nhất. Trong chiến tranh, chế độ hạch toán kinh tế ở các tổ chức kinh doanh thương nghiệp về cơ bản vẫn được duy trì. Thị trường xã hội không có những hoạt động đầu cơ, buôn lậu đáng kể.

Chính nhờ vậy, mà ngành Thương mại Việt Nam giai đoạn 1965-1975 đã thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Nhu cầu của tiền tuyến và chiến đấu mà Ngành có trách nhiệm phục vụ đã được đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Đội ngũ CB, CNV của Ngành cùng với hàng hoá ngày càng tiến sâu vào Nam theo chân các lực lượng vũ trang. Các nhu cầu của sản xuất cũng được đáp ứng với mức cố gắng cao nhất. Đối với đời sống, hoạt động của Ngành đã phải đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như: vải, dầu hoả, giấy viết… và các hàng hoá khác cho toàn dân theo giá ổn định. Nhờ có bộ máy tổ chức Ngành ngày một hoàn thiện, nên đã góp phần giữ cho đời sống của người dân tuy không được như thời bình, song không bị đảo lộn lớn.

Để thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta mà trực tiếp là Thương nghiệp Quốc doanh, kết hợp với sự viện trợ của các nước anh em, đã đảm bảo cho quân sự một khối lượng vật chất khổng lồ qua từng giai đoạn lịch sử. Riêng từ năm 1965-1972 (giai đoạn gay go nhất của cuộc chiến tranh), mỗi năm, Thương nghiệp Quốc doanh cùng với Hậu cần Quân đội phải bảo đảm tới 20 vạn tấn gạo, 32 triệu mét vải, 16 nghìn tấn thực phẩm, 10 vạn tấn xăng dầu và trên 2 vạn tấn thép. Chính nhờ có lượng vật chất trên, cộng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân hai miền, chúng ta đã dành đại thắng lợi vào ngày 30/4/1975, viết thêm một trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta.

Giai đoạn 1965-1975, việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là mục tiêu hàng đầu, do đó sự thiếu sót sai lầm mặt này, mặt khác trong quản lý cũng như kinh doanh là khó tránh khỏi. Nhưng nhìn chung, thắng lợi và thành tựu là cơ bản, là không thể phủ nhận. Hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung và ngoại thương nói riêng đã góp phần tích cực vào việc phá âm mưu và hành động của địch bao vây phong tỏa kinh tế và cô lập miền Bắc với thế giới bên ngoài. Ngành Thương mại đã phục vụ đắc lực cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và cải tạo phát triển kinh tế, khôi phục đắc lực và có hiệu quả cho công cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, đất nước được thống nhất, cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới, cũng đồng thời, ngành Thương mại nước ta chuyển sang một giai đoạn cùng đất nước thực hiện công cuộc đổi mới.

Đăng nhập
Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương tỉnh Sơn La 
Địa chỉ: Khu trung tâm hành chính tỉnh - khu quảng trường tây bắc, thành phố Sơn La tỉnh Sơn La
Điện thoại: 0212.3852268 - Email: sct@sonla.gov.vn
Giấy phép xuất bản số: Số 31/GP-TTĐT ngày 04/9/2024 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Sơn La
Designed by VNPT
 Chung nhan Tin Nhiem Mang