GIAI ĐOẠN 1955 - 1975
Vài nét về công nghiệp, thương mại miền Nam thời kỳ 1955 - 1975
A. Trong lĩnh vực công nghiệp
I. Đặc điểm, tình hình
Điều kiện xuất phát, công nghiệp của miền Nam khác nhiều so với miền Bắc.
Về tài nguyên khoáng sản, các tài liệu địa chất của Tổng cục Khoáng sản và Dầu hỏa của miền Nam, công bố tháng 2 năm 1973, có 21 loại khoáng sản, không có những mỏ kim loại và những khoáng chất cơ bản cho công nghiệp.
Nhưng miền Nam có 3 nguồn nguyên liệu phong phú trên mặt đất và trong biển: đó là các nông sản, lâm sản (chủ yếu là gỗ) và sản phẩm từ biển gồm muối và hải sản. Cả 3 nguồn nguyên liệu này của miền Nam đều rất phong phú.
Về năng lượng, miền Nam không có mỏ than nào đáng kể (mỏ than Nông Sơn trữ lượng khả năng khai thác là 50 triệu tấn, chất lượng kém, ngừng sản xuất từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX). Nhưng nguồn thuỷ điện của miền Nam khá dồi dào, tuy là trong suốt thời kỳ 20 năm này, nó chưa đóng góp được bao nhiêu trong việc cung cấp năng lượng cho công nghiệp. Đầu tư xây dựng thuỷ điện đòi hỏi một khối lượng tư bản rất lớn. Cho đến cuối thời kỳ này, miền Nam mới đưa được Nhà máy Điện Đa Nhim vào vận hành, nhưng điện cũng chỉ mới dẫn được tới miền Trung, chưa đưa được tới các vùng công nghiệp quan trọng, nhất là Sài Gòn, Gia Định, Biên Hoà. Do đó, suốt trong 20 năm này, nguồn năng lượng cơ bản phục vụ cho công nghiệp là điện, mà điện thì chủ yếu được sản xuất nhiệt điện chạy dầu nhập cảng, mỗi năm khoảng 2 triệu tấn, trong đó khoảng hơn 1 triệu tấn là phục vụ cho nhu cầu sản xuất năng lượng công nghiệp.
Về tốc độ phát triển, trong 20 năm, nếu xét về mức tăng trưởng, công nghiệp miền Nam có giá trị sản lượng tăng khoảng 2,5 - 3 lần. Nhưng nếu so với vị trí của nó trong GDP thì hầu như không tăng. Nếu xét về giá trị sản lượng công nghiệp cho đầu người dân, miền Nam xuất phát ở một trình độ không thua kém lắm so với các nước trong khu vực. Nhưng sau khoảng 10 năm phát triển, miền Nam Việt Nam đã bị bỏ xa khá nhiều.
Vào giữa thập kỷ 50 của thế kỷ XX, giá trị sản lượng công nghiệp theo đầu người của miền Nam Việt Nam không kém lắm so với các nước trong khu vực, xấp xỉ bằng Thái Lan. Từ thập kỷ 60 trở đi, khoảng cách ngày càng xa, và miền Nam đã rơi xuống vị trí thấp nhất trong khu vực. Về dân số làm việc trong công nghiệp cũng vậy. Cho đến giữa thập kỷ 60, thì miền Nam cũng đứng ở vị trí thấp nhất về tỉ lệ này.
Có thể thấy những bước phát triển chính của công nghiệp trong từng giai đoạn như sau:
1.1. Giai đoạn 1954 – 1956
Công nghiệp còn khá nghèo nàn, gồm một số nhà máy của tư bản Pháp, xây dựng từ thời thuộc địa, được duy trì một cách cầm chừng trong thời kỳ kháng chiến: các nhà máy thuốc lá Mic, Mitax, Basto, một số xí nghiệp đồ uống của hãng BGI, hãng rượu Bình Tây, hai nhà máy đường Hiệp Hoà và Khánh Hội, mấy nhà máy cơ khí, trong đó đáng kể là nhà máy Caric, ngoài ra có một số nhà máy chế biến cao su thiên nhiên của hãng Michelin.
Đứng thứ 2 sau người Pháp là một số cơ sở của người Hoa, mà phần lớn chỉ là tiểu công nghiệp: Các nhà máy xay, một số nhà máy dệt, một số lò thuỷ tinh, một số xưởng thực phẩm... Người Việt Nam lúc đó cũng có một số xưởng sản xuất ở quy mô tiểu công nghiệp (gốm, sứ, nước chấm, bánh kẹo...). Công nghiệp thời kỳ này ở tình trạng “những ngành hàng không bị hàng nhập khẩu cạnh tranh thì phát triển tương đối khá, những mặt hàng dựa vào nhập khẩu để tiêu dùng thì không những không phát triển, mà còn suy thoái nghiêm trọng. Giá trị sản xuất công nghiệp trong ngành kỹ nghệ chế biến bình quân đầu người năm 1953 và 1960 là 11 USD, giảm còn 9 USD năm 1968” .
1.2. Giai đoạn 1957 - 1971
Từ 1956 trở đi, có một số yếu tố mới giúp cho công nghiệp được khuếch trương: Những nhà tư sản công thương nghiệp di cư từ miền Bắc vào, mang theo vốn, kỹ thuật... là một nguồn bổ sung quan trọng. Chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự viện trợ của Mỹ đối với một số dự án, lại có thêm khoản bồi thường chiến tranh của Nhật, tạo thành một nguồn lực để đầu tư vào công nghiệp.
Nếu xem xét trong 10 năm phát triển, từ 1957 đến 1967, có thể thấy số vốn đầu tư vào những ngành công nghiệp quan trọng đã tăng hàng chục lần. Cũng vào thời kỳ này, công nghiệp miền Nam đã bắt đầu cung cấp được cho thị trường một số hàng hoá tiêu dùng thông dụng khá phong phú như dệt may, giấy, đường, thực phẩm, đồ nhựa, sành sứ thuỷ tinh, một số sản phẩm cơ khí nhỏ, điện lực...
Từ năm 1965 trở đi, các ngành công nghiệp bắt đầu phân hoá mạnh. Chiến tranh diễn ra ác liệt, nhưng viện trợ Mỹ cũng đưa vào ào ạt những hàng tiêu dùng trực tiếp, nhằm bán ngay ra thị trường để lấy tiền đưa vào “Quỹ đối giá” để chi cho quân đội. Do đó, chủ trương hạn chế hàng ngoại hoá, khuyến khích hàng nội hoá đã bị gác bỏ.
Những ngành công nghiệp nào “vấp” phải những hàng nhập khẩu thì không những không thể phát triển, mà còn suy thoái nghiêm trọng. Trong đó phải kể đến 2 ngành quan trọng là đường và dệt.
Ngược lại, một số ngành lại có điều kiện phát triển rất nhanh. Ngành chế biến thực phẩm phục vụ cho nhu cầu của quân đội, trong đó có sữa, chế biến bánh kẹo, chế biến nông sản, hải sản, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng là thuộc loại này.
Đặc biệt, ngành “luyện kim” có một bước thăng hoa rất kỳ lạ. Chiến tranh đã “sản xuất” ra một lượng nguyên liệu rất dồi dào cho các xí nghiệp luyện kim. Số sắt vụn thu được từ đồ phế thải của quân đội đã lên tới khoảng 200 nghìn tấn, số đồng vụn, cũng từ khu vực này, có hàng chục nghìn tấn, được các nhà máy luyện kim mua lại với giá nguyên liệu của năm 1965 là 60 - 65 đồng tiền Sài Gòn/kg. Dự án tái chế kim loại này được Quỹ tiền tệ quốc tế chấp thuận tài trợ để phát triển các xí nghiệp luyện kim.
Đến 1967, số vốn đầu tư trong cả hai ngành cơ khí và kim khí đã tăng gấp 4 lần so với năm 1957, từ 486 triệu lên 1.834 triệu. Đến năm 1973, riêng ngành luyện kim toàn miền Nam đã có 110 cơ sở sản xuất, với số vốn đầu từ 3.542 triệu, với giá trị sản lượng là 6.112 triệu đồng, lớn hơn cả giá trị sản lượng của ngành chế biến gỗ đạt 5.396 triệu đồng.
1.3. Từ năm 1972 trở đi
Năm 1972, quân đội Mỹ và đồng minh rút khỏi miền Nam. Thị trường tiêu thụ các hàng công nghiệp dân dụng bị thu hẹp. Mặc dù khả năng nhập khẩu các nguyên vật liệu không giảm sút, nhưng không còn thị trường tiêu thụ rộng lớn như trước. Do đó, công nghiệp bắt đầu tiêu điều: Tổng sản lượng công nghiệp năm 1972 giảm 5% so với năm trước, đến năm 1973 giảm 22%, năm 1974 giảm 21% . Đó là tính chung của toàn ngành công nghiệp miền Nam.
Đây là giai đoạn đã hoàn thành việc xây dựng hàng loạt nhà máy mới ở khu công nghiệp Biên Hoà (98 nhà máy đã đi vào sản xuất trong giai đoạn này), cho nên, có một số lĩnh vực không những sản lượng không giảm sút mà còn tăng lên: sản lượng dây thép đã tăng từ 4,6 nghìn tấn năm 1971 lên 5,6 nghìn tấn năm 1973, sản lượng pin từ 4.300 nghìn chiếc lên 5.900 nghìn chiếc, acquy từ 11 nghìn chiếc lên 69 nghìn chiếc ...
Đó cũng là trường hợp của ngành sản xuất điện, do có một số nhà máy mới được khánh thành như Nhà máy Điện Trà Nóc ở Cần Thơ, một số nhà máy đã mở rộng công suất như Thủ Đức, một số nhà máy thuỷ điện như Đa Nhim... Tổng công suất điện từ 573.000 kWh năm 1971 lên tới 812.000 kWh năm 1973. Sản lượng điện đã tăng từ 1,34 tỷ kWh lên 1,94 tỷ kWh trong thời gian đó.
Trong một loạt ngành công nghiệp khác thì ngược lại, sản lượng giảm sút nghiêm trọng. Nếu lấy mức sản lượng năm 1962 là 100 %, và so với năm 1974 thì: đồ sứ còn 50, vôi và xi măng: 16, thuỷ tinh: 99, đồ nhôm: 11... Mức độ tăng trưởng công nghiệp chung: Năm 1962 là 100% thì các năm sau, cao nhất là năm 1971: 251,3%, năm 1974 về mức năm 1966, còn 168% .
II. Về cơ cấu các ngành công nghiệp
Nếu lấy năm 1973 là giai đoạn cuối cùng có những số liệu tổng hợp về công nghiệp thì các ngành có số xí nghiệp nhiều nhất là dệt, da, nhuộm và thực phẩm (mấy ngành này cũng sử dụng lao động nhiều hơn cả). Nếu xét về vốn cố định, thì ngành điện chiếm phần lớn nhất, khoảng 40% tổng số vốn cố định trong công nghiệp.
Xét về giá trị sản lượng, ngành thực phẩm chiếm phần lớn hơn cả, gần một nửa tổng giá trị sản lượng công nghiệp 49% (xem biểu đồ). Nếu xét trên năng suất của người lao động, ngành thực phẩm cũng là ngành tạo ra giá trị sản lượng cao, 10 đồng/người, gấp 2 - 3 lần, thậm chí 10 lần các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác.
Tỷ trọng (%) của các phân ngành công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp năm 1973
Về phân bố công nghiệp theo vùng: Ba khu vực Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa chiếm khoảng 85% số xí nghiệp công nghiệp và 90% tổng số sản lượng công nghiệp chế biến .
Nhìn vào cơ cấu đó của công nghiệp, thấy công nghiệp vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, cơ cấu rất không hợp lý, chưa có được những mũi nhọn đột phá để có thể tạo ra một đà tăng trưởng ổn định.
Năng lượng và xuất khẩu - hai mũi đột phá dở dang.
Công nghiệp của miền Nam thời kỳ này có hai “gót chân Asin”: (1) Năng lượng bị lệ thuộc vào nhập khẩu. (2) Công nghiệp hoàn toàn hướng nội. Cùng thời kỳ này, các nước trong khu vực đã khắc phục được “hai gót chân Asin” đó, nên đã có sự tăng trưởng khả quan. Miền Nam thì từ giữa thập kỷ 60 bắt đầu tụt hậu so với các nước trong khu vực. Ngoài lý do chiến tranh, thì hai “gót chân” kể trên là hai lý do rất quan trọng.
Ý thức được những nhược điểm đó, cả chính quyền lẫn giới kinh tế miền Nam đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục nhược điểm này. Đó là điều đáng ghi nhận.
2.1. Về công nghiệp năng lượng
Trong 20 năm này, miền Nam vẫn chưa tạo ra được công nghiệp năng lượng. Hầu hết nguồn năng lượng là dựa vào dầu nhập khẩu. Mỗi năm, miền Nam phải nhập khoảng 2 triệu tấn dầu các loại, vừa để chạy xe và các máy thuỷ, còn khoảng một nửa để chạy các nhà máy điện.
Từ thập kỷ 70, các cơ quan của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tính đến những kế hoạch năng lượng cho tương lai, cụ thể là thuỷ điện và dầu khí.
- Về thuỷ điện, Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim có công suất 160MW, khánh thành và đưa vào hoạt động từ năm 1964, nhưng suốt trong 10 năm, không đưa được điện về Sài Gòn. Còn có một loạt cơ sở thuỷ điện đã được khảo sát và dự tính về công suất như sau (MW): Thạch Hãn: 47, Thượng Sê San: 1.275, Thượng Srê Pốk 1, 2 và 3: 757, nhánh sông Đồng Nai: 146, trung Đồng Nai: 478, thượng Xê Kông: 90, sông Bô: 8, Thu Bồn: 75, Vu Gia: 729, Trà Khúc: 298, Sông Krone: 57, Sông Ba: 279, thượng Đồng Nai: 709, La Ngà: 310, Sông Bé: 105, Trị An: 235, Đa Nhim nới rộng: 200. Tổng cộng 5.598MW .
- Về việc thăm dò và khai thác dầu hoả, từ tháng 7 năm 1973, chính quyền Sài Gòn bắt đầu mở những cuộc đấu thầu đầu tiên. Bốn công ty đã trúng thầu là: Mobil, Shell, ESSO, Sunningdale. Số tiền hoa hồng chữ ký đã thu là 17 triệu đôla. Số lô đã cấp là 8 lô.
Đến ngày 31/5/1974 lại tiến hành đấu thầu lần thứ 2. Có 17 công ty đã trúng thầu. Trong đó hầu hết là các công ty Mỹ. Ngoài ra, có một số công ty của Anh, Nhật, Australia và Canada. Số tiền hoa hồng đã ký là 35 triệu đôla, có 12 lô đã được cấp .
2.2. Về công nghiệp xuất khẩu
Suốt trong 20 năm, xuất khẩu hàng công nghiệp chiếm phần nhỏ bé trong tổng số xuất khẩu. Xuất khẩu về cơ bản là xuất khẩu của ngư nghiệp và nông nghiệp. Các nhà kinh tế của miền Nam thấy rất rõ nhược điểm này. Họ hiểu rằng, nếu chỉ dựa vào những nguyên liệu, máy móc, thiết bị của nước ngoài để sản xuất phục vụ cho thị trường nội địa thì không thể lấy gì để nuôi bản thân công nghiệp. Từ đầu thập kỷ 70, đã có nhiều cố gắng của cả giới kinh tế và giới doanh nhân trong lĩnh vực này. Trong đó, có những nhà tư sản công nghiệp yêu nước như Âu Trường Thanh, Đinh Xáng... đã đề xuất những kế hoạch phát triển công nghiệp đồ hộp, tơ tằm, mỹ nghệ... để mở ra khả năng hướng ngoại như một giải pháp để trang trải cho những nguồn hướng nội. Những ý định này chưa thực hiện được bao nhiêu, nhưng dù sao cũng có thể coi đó là những đột phá.
Trong số những đột phá đó, đáng ghi nhận là chủ trương thực hiện các khu chế xuất. Vào những năm đầu của thập kỷ 70, các chuyên gia và chính phủ Sài Gòn đã tính đến kế hoạch thiết lập một số khu chế xuất ở Long Bình, Tân Thuận Đông. Ngày 23 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký Sắc luật số 043-TT/SLU về việc thiết lập các khu chế xuất. Nội dung cơ bản cũng không khác các nước trên thế giới và các khu chế xuất ở Việt Nam hiện nay.
Giữa năm 1973, chính phủ Sài Gòn ký một thoả ước với chính quyền Đài Loan về hợp tác kỹ thuật trong việc phát triển khu chế xuất Tân Thuận Đông. Nhưng chương trình này chỉ mới là phác thảo, chưa thực hiện được bao nhiêu thì chiến tranh kết thúc. Xét về mặt lịch sử tư tưởng kinh tế, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam đã có ý tưởng về khu chế xuất, mà hai chục năm sau đã được thực thi, vào thời kỳ đổi mới của nước Việt Nam thống nhất.
2.3. Công nghiệp vùng giải phóng
Vùng giải phóng chớm xuất hiện từ năm 1958-1959 với tên gọi “làng rừng”. Từ năm 1960, sau Đồng khởi, nhân dân giành chính quyền thì hình thức này trở nên phổ biến với khái niệm “vùng nhân dân tự quản”, “vùng do cách mạng kiểm soát” thường gọi chung là “vùng giải phóng”. Ở nơi đó, dân tổ chức chính quyền có sự lãnh đạo của lực lượng giải phóng. Ở các vùng tranh chấp, bộ máy chính quyền không nhất thiết công khai. Ngoài ra, vùng chiến sự do quân giải phóng kiểm soát, đó là tuyến đường mòn Hồ Chí Minh (đường 559) và căn cứ chiến khu.
Vào năm 1962, các vùng trên (ngoài vùng tranh chấp) có số dân khoảng 6,3 triệu người, năm 1968 khoảng hơn 5 triệu người, năm 1972 có trên 4,6 triệu người. Số người giảm do dân chuyển vào các đô thị để giảm tổn thất do chiến tranh. Đời sống nhân dân trong vùng rất khó khăn do bom đạn tàn phá, lại bị Mỹ, chính quyền Sài Gòn bao vây kinh tế. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chống thực dân Pháp, trong hoàn cảnh cụ thể, nhân dân bám đất, được chính quyền Cách mạng giúp đỡ tối đa,.. đã giải quyết thành công những vấn đế kinh tế và đời sống, chi viện tích cực cho quân giải phóng.
Nổi bật là phục hồi và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu về các công cụ thông thường cho sản xuất (đặc biệt là sản xuất nông nghiệp) và đời sống, không thể chờ vào chi viện của miền Bắc. Các nghề như rèn, giấy, dệt, thêu, đồ gốm, chế biên lương thực, thực phẩm truyền thống,... cũng được phát triển để tự túc đời sống và trao đổi với vùng chính quyền Sài gòn kiểm soát. Nhiều nghề bị mai một trong thời gian tạm chiếm đã được phục hồi nhanh.
Nghề rèn có ở các khu, năm 1962 sản xuất được 17.795 nông cụ; Dệt phát triển mạnh ở Khu V như Quảng Đà, các năm 1965-1966 có 130 khung dệt, sản xuất được 33.000 mét vải, Quảng Ngãi có 754 khung, sản xuất được 680.400 mét khổ rộng và 34.300 mét khổ hẹp,... Ở Nam Bộ, có các cơ sở sản xuất giấy, lương thực, chế biến thủy sản, đóng ghe thuyền, làm than củi,... Nhiều vùng tận dụng phế liệu chiến tranh, bom đạn để sản xuất công cụ, vũ khí thô sơ tự bảo vệ xóm làng.
Khu căn cứ cách mạng (chiến khu) là bộ phận đầu não của một vùng, ở đó có chính quyền Cách mạng, có dân, có lực lượng vũ trang. Vùng căn cứ, mặc dù bị địch bao vây, phá hoại nhưng các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất tiểu, thủ công nghiệp vẫn diễn ra để phục vụ đời sống nhân dân, sử dụng có hiệu quả chi viện từ miền Bắc...
III. Những di sản công nghiệp cho giai đoạn sau
Sau khi xem xét tình hình và những đặc điểm của công nghiệp miền Nam thời kỳ 1955 - 1975, tưởng cũng nên lưu ý một số khía cạnh có ảnh hưởng tới sự phát triển công nghiệp sau ngày giải phóng.
Nhìn tổng quan lại, thấy trong 20 năm sự phát triển công nghiệp của miền Nam được quy định bởi 2 đặc điểm rất đặc thù: điều kiện chiến tranh và nguồn ngoại tệ rất dồi dào để nhập khẩu. Hai đặc điểm này đã quy định cả tính chất, cơ cấu, phân bố các nguồn lực và thị trường của công nghiệp. Những đặc điểm này đã để lại những dấu ấn đậm nét cho thời kỳ sau giải phóng:
3.1. Hệ thống công nghiệp tập trung cao độ
Hầu hết các cơ sở công nghiệp đã tập trung ở Sài Gòn, Gia Định, Biên Hoà. Sau giải phóng, một số nhà nghiên cứu đã phê phán rằng, sự tập trung đó thể hiện một sai lầm về quan điểm của chính quyền Sài Gòn: chú trọng đến thành phố, coi nhẹ nông thôn. Thực ra, khi trao đổi với các chuyên gia kinh tế của chính quyền Sài Gòn, thấy vấn đề không đơn giản như thế. Công nghiệp miền Nam một phần rất lớn là do các nhà kinh doanh tư nhân trong nước và ngoài nước lựa chọn và quyết định cả hướng đầu tư lẫn địa điểm đầu tư. Trong tình hình chiến tranh, các vùng xa các trung tâm công nghiệp, xa các trung tâm chính trị và quân sự thường không có đủ độ an toàn để đầu tư. Đấy là lý do chủ yếu chứ không phải là vì quan điểm chính trị. Nhưng hậu quả của sự phân bố này thì khá nặng nề. Những vùng tạo ra nguồn nguyên liệu rất quan trọng cho công nghiệp chế biến như nông sản, thuỷ sản và hải sản ở đồng bằng sông Cửu Long lại phải chuyên chở nguyên liệu lên Sài Gòn. Những vùng gỗ cơ bản là Trung phần thì lại xa các cơ sở chế biến...
3.2. Nguồn nguyên liệu dựa phần lớn vào nhập khẩu
Chỉ trừ một số ngành như hải sản đông lạnh, lúa gạo, sắn, ngô, đỗ... có sử dụng nguyên liệu trong nước, còn phần lớn nguyên liệu và bán chế phẩm cho công nghiệp chế biến là nhờ vào nhập cảng, chiếm trên 70%. Có một số ngành tưởng như có khả năng sử dụng hầu hết nguyên liệu trong nước, thì thực tế vẫn dùng nguyên liệu nhập khẩu. Thí dụ, trong công nghiệp đường, năm 1973, phải dùng tới 97,4% nguyên liệu là đường thô nhập cảng. Trong ngành thuốc lá, 89% sợi thuốc là nhập cảng. Trong ngành sản xuất sữa, tỷ lệ đó là 62,8%. Trong ngành dệt, hầu hết nguyên liệu là nhập cảng. Bông để kéo sợi gần như 100% là nhập từ Mỹ theo chương trình viện trợ nông phẩm. Sợi hoá học nhập từ Nhật, Đài Loan và Nam Triều Tiên theo chương trình viện trợ thương mại. Ngành giấy cũng là một điều bất thường. Việt Nam nhiều rừng, nhiều nguồn nguyên liệu cho ngành giấy, nhưng đến năm 1973, 82% số bột giấy là nhập cảng. Vào khoảng 1972-1973, miền Nam cũng đã xây dựng được một số nhà máy làm bột giấy như Cogivina, Cogido... Nhưng sau khi khánh thành lại phải ngừng hoạt động vì giá bột giấy sản xuất trong nước cao hơn giá bột giấy nhập cảng. Trong ngành cao su và hoá chất, 99,5% nhựa là nhập khẩu, phần còn lại là sử dụng nhựa tái sinh. Tính chung trong ngành cao su và chất dẻo, 77,4% nguyên liệu là nhập khẩu. Trong ngành gốm, tưởng như chẳng cần gì đến nước ngoài, thì 53,4% giá trị nguyên liệu cũng là nhập cảng: cao lanh, các loại hóa chất làm men chịu lửa... Ngành xi măng, 42,2% là nguyên liệu nhập cảng, chủ yếu là nhập clinker. Ngành thuỷ tinh là 41%. Ngành kim khí là 65%. Những cơ sở luyện kim trong nước chỉ cung cấp được nguyên liệu cho những mặt hàng thông thường, còn những kim loại có chất lượng cao để chế tạo những bộ phận quan trọng trong máy móc cũng đều phải nhập cảng. Có lẽ chỉ trừ ngành gạch ngói thì không dùng nguyên liệu nhập cảng.
3.3. Các nguồn năng lượng dồi dào nhưng phân tán và lệ thuộc hoàn toàn vào nhập cảng
Do hoàn cảnh chiến tranh, mạng lưới điện quốc gia chưa hình thành. Thành phố nào cũng có nhà máy điện để tự sản xuất điện. Thậm chí một số xí nghiệp lớn đều phải trang bị một máy phát điện chạy bằng dầu để tự giải quyết vấn đề năng lượng. Mức độ lãng phí rất cao. Trong điều kiện dư thừa ngoại tệ của viện trợ, sự lãng phí này chưa phải là vấn đề gay gắt. Nhưng khi nguồn ngoại tệ giảm đi, thì toàn bộ công nghiệp lâm vào tình trạng “mất điện” (điều đó đã thể hiện rất rõ ngay sau ngày giải phóng miền Nam). Theo tính toán của Phó Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, Nguyễn Văn Hảo, toàn bộ ngành công nghiệp chế biến hàng năm sử dụng từ 350 đến 400 triệu lít nhiên liệu (con số năm 1973, giá nhập khẩu là từ 7 - 9 cent/lít). Như vậy, riêng tiền nhập khẩu nhiên liệu để nuôi công nghiệp cũng mất trên 30 triệu đôla mỗi năm. Nếu kể tới khoảng 600 triệu lít nhiên liệu được sử dụng để sản xuất điện, thì tổng số nhiên liệu cần thiết cho ngành năng lượng là khoảng 1 triệu tấn, mỗi năm cần có khoảng 100 triệu đôla cho khoản nhập khẩu này. Khi viện trợ Mỹ còn dồi dào thì 100 triệu đôla chưa phải là khó kiếm. Nhưng khi hết viện trợ thì xăng dầu sẽ trở thành một trong những vấn nạn ập đến chỉ sau 1 hoặc 2 tháng.
3.4. Công nghiệp miền Nam là một nền công nghiệp hướng nội, sản xuất hàng hoá phục vụ thị trường nội địa
Công nghiệp không dùng xuất khẩu để tự nuôi nó và nuôi các ngành kinh tế khác, mà được nuôi bằng viện trợ nhập khẩu. Đặc điểm này cũng sẽ trở thành một vấn nạn của nền kinh tế quốc dân khi hết viện trợ.
- Do có một nguồn ngoại tệ dồi dào, lại được chu cấp bởi những nước có trình độ kỹ thuật cao nhất như Mỹ, Nhật... nên công nghiệp miền Nam, xét về mặt kỹ thuật, là một nền công nghiệp rất “khó tính”. Máy móc được nhập khẩu từ Mỹ, Tây Đức, Nhật... là những máy móc đòi hỏi điều kiện kỹ thuật rất khắt khe: Những phụ tùng thay thế phải đúng hãng, đúng tiêu chuẩn. Những nguyên liệu được sử dụng cũng phải đúng quy cách. Trong điều kiện còn có viện trợ Mỹ, thì đó không phải là vấn đề cần quan tâm. Chẳng hạn các xí nghiệp dệt của miền Nam sử dụng sợi của Nhật và bông của Mỹ, nên hệ thống máy móc có thể hoạt động bình thường. Nếu dùng một loại bông sợi khác, không đảm bảo những tiêu chuẩn kỹ thuật như vậy, thì máy móc không hoạt động được hoặc rất chóng hỏng. Phụ tùng thay thế cũng vậy. Khi nguồn viện trợ không còn, những phụ tùng thay thế nhập từ các nước khác hoặc tự sản xuất trong nước thường không đảm bảo chất lượng sản phẩm, tỷ lệ phế phẩm sẽ rất cao. Đó là một vấn nạn nữa đặt ra cho giai đoạn sau. Đối với một nước có trình độ kinh tế phát triển cao, có những mối quan hệ liên hoàn của các ngành công nghiệp với nhau, thì đặc điểm này là một ưu điểm. Nhưng đối với một nước mà công nghiệp mới chỉ chiếm trên dưới 10% GDP, nguồn trang bị và cung ứng đầu vào cho công nghiệp lại hoàn toàn dựa vào viện trợ, thì đây lại là một điểm yếu.
B. Trong lĩnh vực thương mại
I. Xuất, nhập khẩu
Nhập khẩu là nguồn sống chủ yếu của nền kinh tế miền Nam, nó cung cấp tư liệu sản xuất và cả lương thực thực phẩm, kể mặt hàng truyền thống như lúa gạo. Trong 20 năm, tổng số nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD, trong 10 năm đầu chỉ chiếm khoảng 1/4, còn lại tăng vào 10 năm sau, đồng thời xuất khẩu sa sút trong 10 năm đầu được 603 triệu USD, đến 10 năm sau chỉ đạt hơn 393 triệu USD. Nguồn trang trải nhập khẩu chính dựa vào viện trợ. Theo Dacy (1986), tổng viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng hòa thời kỳ 1955-1975 là 8.540,3 triệu USD, bình quân mỗi năm khoảng 427 triệu USD.
Giai đoạn 1954 – 1956: Thời kỳ này, kinh tế miền Nam nhận di chuyển thiết bị, viện trợ hàng hóa, “kinh tế miền Nam nhận đến một nửa số tư bản miền Bắc chuyển vào, cùng với viện trợ thương mại của Mỹ (Commercial Import Program) 500,6 triệu USD trong 2 năm (1955 -1956), viện trợ kéo dài đến năm 1975. Ngoại thương 1955 – 1956: Tổng giá trị nhập cảng là 570,2 triệu USD, chủ yếu nhập từ Nhật, Mỹ, Pháp, trong đó nhập khẩu từ viện trợ nông phẩm của Mỹ là 39,4 triệu USD; Xuất khẩu là 143 triệu USD.
Trong thời kì (1956 -1960), “Theo tính toán của Douglas Dacy: mức tăng trưởng bình quân là 7%/ năm. Đây là thời kỳ tăng trưởng ổn định và cao hơn cả so với 15 năm sau đó”. Đây cũng là thời kỳ điển hình của tăng trưởng bằng viện trợ, trước chiến tranh.
Giai đoạn 1956 – 1974: Tổng giá trị nhập cảng là 9.872 triệu USD, nguồn nhập lớn nhất từ Mỹ chiếm đến 40%, sau đó đến Nhật (năm 1968, nhập của Nhật nhiều hơn Mỹ); Chủng loại hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng ở mức thấp là 34% (năm 1963), cao là 62% (năm 1968), tiếp đến là các sản phẩm trung gian như nguyên, nhiên liệu, sau cùng là sản phẩm đầu tư; Sản phẩm nhập khẩu có kim ngạch lớn là: nhóm hàng tiêu dùng và dịch vụ khác (theo tài liệu của USAID công bố năm 1973, riêng nhóm thức ăn, đồ uống, thuốc lá chiếm tỷ trọng cao nhất trong các năm, đạt tới 259,9 triệu USD năm 1968); Tiếp sau là máy công nghiệp, kim loại, xăng dầu, cao su, chỉ, sơn, xe hơi...
Tổng giá trị xuất khẩu là 996,6 triệu USD với sản phẩm chính là cao su (luôn chiếm từ 2/3 đến 3/4 kim ngạch), gạo, thủy sản, gỗ và cà phê. Giới kinh doanh miền Nam và các nhà quản lí đã có một quá trình 20 năm tiếp cận với thị trường đa dạng của thế giới. Sự am hiểu đó là một trong những yếu tố sau này góp phần làm cho miền Nam sớm có những bước đột phá khẩu ngoại thương, lôi cuốn cả nước vào thời kì đổi mới, hội nhập (Xem đồ thị).
Kim ngạch xuất, nhập khẩu (triệu USD) và cán cân thương mại miền Nam 1955 -1975
II. Nội thương
- Buôn bán với miền Bắc: Ngày 4/2/1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra bản tuyên bố việc lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Bắc- Nam, tạo điều kiện nhân dân hai miền thắt chặt quan hệ kinh tế. Đáp lại thiện chí đó, năm 1958, Chính quyền Sài Gòn tuyên cáo cự tuyệt hoàn toàn, với lí do sợ miền Bắc “vơ vét tài nguyên của miền Nam”, Chính quyền Sài Gòn còn giam giữ, tù đày trên 150 thương nhân miền Bắc được Chính phủ miền Bắc cử vào tìm mối buôn bán.
Theo thống kê của Bộ Thương mại (miền Bắc), các năm 1955-1959, hai miền đã đạt được kết quả trao đổi hàng hóa với tổng doanh số mua bán năm cao nhất đạt tới trên 4 tỷ (tiền miền Bắc).
- Nội thương miền Nam trong 20 năm có những nét đặc trưng cơ bản: (1) Đội ngũ tiểu thương đông đúc, len lỏi đến các vùng, họ từ nông thôn ra thành thị tránh chiến tranh và mưu sinh, trong 6 triệu người sống ở các đô thị miền Nam, có tới hơn một nửa tham gia buôn bán; (2) Nội thương gắn với sự viện trợ ồ ạt hàng tiêu dùng đã được sản xuất sẵn ở nước ngoài. Như vậy, nội thương chủ yếu là những cầu nối để vận chuyển tiêu thụ hàng viện trợ nhập khẩu; (3) Khuyến khích tiêu dùng hàng viện trợ, càng mua bán nhiều càng tạo nguồn thu ngân sách; (4) Thị trường có sự tham gia của quân đội, đó là lương và phụ cấp của hơn 2 triệu quân nhân, họ là người mua, đồng thời cũng là người bán các quân nhu ra thị trường từ các cửa hàng PX của lính Mỹ và Quân tiếp vụ của quân đội Sài Gòn.
Thị trường nội thương sầm uất ở các thành phố, trong đó Sài Gòn chiếm đến phân nửa doanh số, số người buôn bán có môn bài ở mức 100.000 đồng trên toàn miền Nam là 471 sổ, riêng Sài Gòn - Gia Định là 453, tiếp đến Vũng Tàu là 15 sổ, điều đó không khó hiểu, bởi thời chiến, dân số đô thị miền Nam chiếm tới 50%.
Thương nhân người Hoa chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống thương nghiệp, đặc biệt trong buôn bán lúa gạo, hàng khô, thực phẩm chế biến,... thì họ gần như độc quyền với mạng lưới thương nghiệp cổ truyền từ nhiều thế kỉ, có mối quan hệ khăng khít với người Hoa ở nhiều nước. Hệ thống “chành, vựa” chuyển ngân, giao hàng, chuyên chở của người Hoa được xây dựng trên quan hệ cộng đồng lâu đời, tông tộc, đồng bang, đồng liêu,... với chữ tín thay cho các thủ tục rườm rà.
Thương nhân người Việt chủ yếu nắm khâu bán lẻ, có một số nắm khâu bán buôn nông sản tươi sống như rau quả, may mặc, mỹ phẩm, dụng cụ gia đình,..
Thương nhân người phương Tây chưa có vai trò đáng kể, số thương nhân thuộc Pháp đã rút vốn hoặc đóng cửa. Số thương nhân mới nắm một số khâu bán lẻ với một vài thương xá lớn ở Sài Gòn như Tax, Tam Đa, thương nghiệp của người Mỹ chủ yếu ở hệ thống cửa hàng PX phục vụ quân đội Mỹ.
Thương nghiệp bán lẻ với đội ngũ tiểu thương đông đảo, sử dụng phương tiện thô sơ, mua bán tới vùng xa, họ có thể nhận các đơn đặt hàng từ vật tư đến hàng tiêu dùng, đôi khi cả vũ khí từ vùng giải phóng.
Điểm khác giữa thương nghiệp miền Bắc và miền Nam khi đó, thương nghiệp miền Bắc lấy chức năng xã hội với hệ thống phân phối theo định lượng ghi trên tem phiếu, thì miền Nam lấy cầu của người mua nuôi sống cung. Người mua quyết định cuộc sống của người bán. Đó là lí do để người bán quan tâm đến người mua, tạo cảm giác dễ chịu cho người mua.
Các yếu tố năng động của thương nghiệp miền Nam sau này được phát triển cao hơn vào thời mở cửa, hài hòa lợi ích người bán, người mua, định hướng văn minh thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Giai đoạn 1969 -1975: Kinh tế miền Nam khó khăn nhất, quân đội Mỹ và đồng minh rút dần, viện trợ giảm. Lạm phát tiếp tục ở mức phi mã. Năm 1970, tỷ lệ lạm phát (tính toán dựa trên chỉ số giá tiêu dùng tại Sài Gòn áp dụng cho tầng lớp lao động) lên tới 36,8%. Năm 1973, tỷ lệ lạm phát là 44,5%... Một nền kinh tế tiêu dùng dựa vào viện trợ không thể phát triển ổn định, bền vững.
III. Thương mại trong vùng giải phóng
Phá thế bao vay của giặc là một kỳ tích của hoạt động thương mại ở vùng giải phóng. Trước hết, mua hàng hóa ở vùng đối phương kiểm soát là nguồn quan trọng hơn cả. Tại vùng giải phóng, vùng tranh chấp, ta chủ trương khuyến khích tổ chức họp chợ để trao đổi hàng hóa, đưa những sản phẩm cần thiết về vùng giải phóng, chiến khu. Ở Khu V, ta chủ trương không giữ tiền dư, không tồn hàng thừa để tránh tiền mất giá, vận động nhân dân vùng địch, các nhà buôn bán nhỏ, vợ con binh lính sĩ quan địch bán hàng cho vùng giải phóng, do vậy có nhiều thời kỳ, mua hàng vùng địch đã đạt được đến 84% tổng doanh số mua của vùng giải phóng.
Tổ chức trao đổi hàng hóa trong vùng: Mậu dịch quốc doanh đã được tổ chức dưới hình thức thu mua và bán hàng hóa trong vùng (cung tiêu). Nhân dân tự tổ chức mua bán hàng hóa sản xuất ra, các thương nhân được khuyến khích mua bán với vùng địch chiếm đóng, nhằm chống địch bao vây kinh tế, bảo đảm nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, hậu cần cho kháng chiến (có nơi bảo đảm đến 23% nhu cầu cho bộ đội).
Năm 1962, báo cáo lưu thông khu vực Khu V cho biết, 18 cửa hàng và 9 tổ thu mua lưu động đã đạt doanh số tới 6 triệu đồng tiền Sài Gòn, với các mặt hàng chính đạt 638 tấn muối, 92.000 mét vải, 27.000 nông cụ, hơn 4.100 bộ quần áo, 1 triệu đồng văn phòng phẩm; Ở Lâm Đồng, năm 1962 đã mua được 200.000 tấn gạo,... Riêng Nam Bộ, việc lưu thông không phân biệt rõ ranh giới địch ta.
Đóng góp vào cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam, đặc biệt là nhân dân ở vùng giải phóng, thể hiện ở việc thực hiện chính sách “đảm phụ nông nghiệp, công thương nghiệp” được Trung ương Cục ban hành từ năm 1961 và tiếp tục hoàn thiện đến khi thống nhất đất nước. Đảm phụ thu trên diện tích canh tác, sản lượng, hoặc lợi nhuận được quy ra tiền hoặc hiện vật, trong đó, thu đảm phụ nông nghiệp đạt kết quả cao. Ví dụ năm 1966, số thu đảm phụ nông nghiệp của Quảng Nam là 28 triệu đồng trong tổng số 37 triệu đồng; các tỉnh Nam bộ năm 1973 thu được 7,5 triệu USD, năm 1974 tăng lên 12,376 triệu USD,...
Ở vùng giải phóng Nam Bộ, phía vùng địch vẫn phải dựa vào vùng giải phóng về nông phẩm cần thiết như lúa gạo, thịt cá, lâm sản,... để giải quyết nhu cầu thành phố và có hàng xuất khẩu, mặt khác, cần thị trường nông thôn rộng lớn để tiêu thụ hàng viện trợ.
Vùng sông nước Nam Bộ duy trì các ghe hàng lưu động do khoảng cách giữa các chợ khá xa, người dân không thể đến được. Người dân tìm đến các ghe hàng tạp hóa có đủ thứ hàng thiết yếu. Một số con đường vùng giải phóng thưa dân, đã có những cửa hàng không có người bán, người mua tự chọn hàng, tính tiền, thả tiền vào hộp (đây là cách bán hàng thời xa xưa đã có, nay hình thành căn cứ thì lại xuất hiện). Hành động cấm vận, bao vây kinh tế của địch không thực hiện được, hàng hóa tiêu dùng được thỏa mãn, vấn đề quan trọng là có tiền để mua hàng cho các cơ quan, đơn vị giải phóng. Việc này, Ban Kinh tài Miền Nam đã thực hiện xuất sắc nghiệp vụ chuyển tiền quốc tế thông qua các ngân hàng ở nước ngoài như Hồng Kông, Campuchia, Thái Lan, Sài Gòn và quan trọng nhất là tổ chức chuyển đổi lấy tiền Sài Gòn để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của ta. Trợ giúp của các nhà hảo tâm và giúp đỡ của nước bạn về hàng hóa, tiền được Ban Kinh tài tổ chức tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả. Hàng hóa chi viện của miền Bắc đã đến được đúng địa chỉ, đó là các cơ quan, đơn vị bộ đội, có một phần nhỏ là thuốc men, văn hóa phẩm phục vụ nhân dân.
Ở căn cứ chiến khu, cán bộ được cung cấp hàng hóa cơ bản, được phát tiền tiêu vặt khoảng 100 đồng tiền Sài Gòn (1 đô la/tháng) để mua bàn chải, kim chỉ, bật lửa,...Trên tuyến đường 559, bộ đội có thể dùng tiền Sài Gòn, tiền miền Bắc tiêu dùng ở một số quán ăn, cửa hàng tạp hóa ở vùng an toàn.
Tính năng động trong hoạt động kinh tế của các Tỉnh ủy khu vực Đông Nam bộ, nhiều nơi tổ chức phân công người vào nội thành kinh doanh, thành lập công ty đường sông, mua xe chở khách, lập các xưởng cưa xẻ gỗ, sửa chữa xe máy và các tổ sản xuất nông nghiệp, khái thác, thu mua nông sản, mở nhà in, cửa hàng bán thuốc tây... được bảo đảm bí mật cho đến ngày giải phóng, bởi các hoạt động sản xuất lưu thông đó diễn ra ở cả vùng giải phóng, vùng địch chiếm đóng...
Tóm lại, công nghiệp và thương mại miền Nam năm 1955 - 1975 nằm trong nền kinh tế thời chiến phụ thuộc vào viện trợ, công nghiệp hướng nội, chưa giải quyết được vấn đề năng lượng, thương mại chủ yếu nhập khẩu và tiêu thụ hàng viện trợ. Tuy nhiên, xuất hiện các yếu tố năng động trong công nghiệp chế biến nông sản (cao su), tái chế sắt vụn, sản xuất hàng tiêu dùng nhập khẩu nguyên liệu (dệt); trong thương mại theo hướng thị trường tự do với đội ngũ thương nhân bán lẻ đông đảo bám vào nguồn cung và nhu cầu tiêu dùng. Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Hưng, tiến sĩ kinh tế, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của Chính quyền Sài Gòn, sau là giáo sư tại Đại học Howard, kinh tế công thương miền Nam trong thời kỳ trước và sau khi quân đội Mỹ có mặt có đặc tính: (1) Cơ cấu kinh tế nghiêng hẳn về cung cấp dịch vụ, chiếm 55% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Sản xuất hàng hoá, vật dụng không nhiều; (2) Lệ thuộc vào nhập cảng gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, vật liệu sản xuất, hàng tiêu dùng. Trung bình là phải nhập 750 triệu USD một năm; (3) Tâm lý dựa vào viện trợ: Nền kinh tế bé nhỏ, sản xuất còn yếu kém, căn bản chỉ là gạo thóc nên chỉ còn cách nhập hàng hoá từ ngoài vào. Tài trợ nhập hàng hoá đang từ 162 triệu USD năm 1964 tăng lên tới 830 triệu USD năm 1966, cao hơn năm lần. Sự kiện này làm tăng lên cường độ của tâm lý lệ thuộc và mang tới nhiều cơ hội tham nhũng cho nhiều quan chức Chính quyền Sài Gòn.
Tại thời kỳ đó, kinh tế công thương vùng giải phóng có những đặc điểm quan trọng, đó là các hoạt động bảo đảm cho cuộc kháng chiến của dân tộc, bảo đảm đời sống nhân dân. Hoạt động của Ban Kinh tài miền Nam đã gắn kết được các lực lượng dân chủ tiến bộ ở miền Nam cho đến ngày thống nhất đất nước