Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945

TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945
A. Tình hình đất nước trước Cách mạng Tháng Tám

    Năm 1884, với Hiệp ước Patenôtre, Pháp coi như đã xác lập quyền thống trị trên toàn cõi Việt Nam, tuy hình thức thống trị thì mỗi nơi có một khác: Nam kỳ coi như là xứ Thuộc địa, Bắc kỳ là xứ Bảo hộ, Trung kỳ là xứ Nửa Bảo hộ (vì ở đó vẫn duy trì triều đình nhà Nguyễn).

    Trong nền thống trị Pháp, Việt Nam không những không còn chủ quyền, mà thậm chí cũng không còn là một quốc gia nữa. Trong thể chế hành chính của nền thống trị Pháp, nước Việt Nam thực tế không còn tồn tại. Từ năm 1867, Nam bộ đã bị coi là thuộc địa của Pháp, do Pháp trực tiếp quản lý về mọi phương diện. Nhà Nguyễn không còn quyền hành gì ở Nam bộ nữa: những quyền như quan thuế, cử các quan cai trị, kinh lý, phủ dụ dân chúng... vốn là những việc tối thiểu của một bộ máy nhà nước (dù nhu nhược) thì cũng đã bị tước bỏ hết. Dù viện ra bất kỳ những lý do nào, như truyền đạo, thương mại, khai hoá,... tất cả những người Pháp lúc đó đến Việt Nam đều chỉ có động cơ duy nhất là: xâm lược, áp đặt nền thống trị Pháp và tận thu tài nguyên, áp đặt sự buôn bán có lợi cho người Pháp.

    Người Pháp đem vào Việt Nam nhiều sản phẩm văn minh và tạo tác nhiều sự việc có giá trị. Nhưng mọi sự tạo tác đó chỉ với mục đích duy nhất là nhằm tạo điều kiện để áp đặt và củng cố nền thống trị Pháp, bành trướng quyền lực của nước Pháp trên thế giới.

    Cũng vì mục đích và động cơ nói trên mà "sự khai hoá" ở Việt Nam mang nặng tính chất khai thác. Bản thân sự khai thác của chủ nghĩa thực dân Pháp lại được thực hiện chủ yếu bằng cách cướp bóc: đất đai của các đồn điền Pháp, những hầm mỏ mà Pháp khai thác chủ yếu được hình thành do tước đoạt từ sở hữu của người Việt. Trong các hoạt động kinh tế, Pháp tự áp đặt sự độc quyền trên một loạt lĩnh vực như thuế thân, thuế muối, bán rượu, bán thuốc phiện để tạo ra nguồn thu tài chính. Việt Nam nói riêng và các thuộc địa nói chung không có nhân quyền, không có dân quyền, không có chủ quyền quốc gia, không có tự do và bình đẳng. Người Pháp cho rằng người Việt Nam, cũng như các thuộc địa khác không có đủ quyền làm người tự do. Cũng từ cách nhìn đó, Pháp cho rằng đất nước Việt Nam không phải là một quốc gia, dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc độc lập. Trong bối cảnh lịch sử đó, nền công nghiệp và thương mại giai đoạn này hoàn toàn do người Pháp khởi xướng và áp đặt.

B. Trong lĩnh vực Công nghiệp

    Kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, công nghiệp, theo đúng nghĩa của nó, mới hình thành những mầm mống đầu tiên của công nghiệp hiện đại. Trước đó, trong các triều đại phong kiến, công nghiệp chủ yếu là thủ công nghiệp, giải quyết những nhu cầu về xây dựng, giao thông, các nhu yếu phẩm cho triều đình, quan lại và dân cư. Các cơ sở của nhà nước khai thác mỏ sắt, mỏ đồng, mỏ muối… một số xưởng đúc tiền, đúc vũ khí của triều đình…, hầu hết chỉ dùng phương pháp sản xuất thủ công.

    Từ khi xác lập sự thống trị ở Việt Nam, nhất là từ đầu thế kỷ XX, người Pháp mới bắt đầu xây dựng một số cơ sở công nghiệp; trước hết là các ngành khai khoáng, cơ khí, rồi dần dần hình thành hệ thống công nghiệp dịch vụ và công nghiệp chế biến.

    Sự nghiệp công nghiệp của Pháp ở Đông Dương thể hiện trên bốn lĩnh vực chủ yếu: khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng và phục vụ giao thông vận tải, và cuối cùng là các ngành công nghiệp chế biến. Các ngành công nghiệp như điện, nước... lúc đó được coi như các ngành dịch vụ.

I. Khai thác mỏ

    Khai thác mỏ là ngành đi đầu của công nghiệp Pháp ở Việt Nam. Trong những năm cuối của thế kỷ XIX, số công nhân mỏ đã lên tới trên 4.000 người. Kỹ thuật khai thác chủ yếu còn là thủ công. Sản lượng chưa lớn, khoảng 10-12.000 tấn/năm. Số quản lý người Pháp ở Hòn Gai lúc đó khoảng 50 người. Đến năm 1913, sản lượng than đã tăng gấp 5, đạt tới nửa triệu tấn. Từ khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, việc khai thác than tiến triển rất mạnh mẽ, đạt tới sản lượng 3-4 triệu tấn/năm. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1929-1930, sản lượng than giảm xuống dưới mức 2 triệu tấn và chỉ tăng dần trở lại vào giữa thập kỷ 30. Năm 1937 đạt 2.308.000 tấn, 1939 đạt 2.615.000 tấn. Đa số than khai thác ra được xuất khẩu. Từ sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, tỷ lệ than sử dụng trong nước, do nhu cầu của các ngành công nghiệp năng lượng và chế biến, có tăng lên. Đến năm 1939, tỷ lệ than xuất khẩu trong tổng sản lượng than vẫn còn ở mức 68%, trong đó khoảng 10-20% là xuất khẩu sang Pháp, phần còn lại xuất cho các nước thuộc Viễn Đông.

    Sau than là kẽm và thiếc, hai thứ này chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản lượng công nghiệp khai thác mỏ của Pháp ở Đông Dương. Mỏ thiếc Tĩnh Túc được phát hiện từ cuối thế kỷ XIX và bắt đầu được khai thác vào năm 1903. Cũng vào thời kỳ này, Pháp bắt đầu khai thác mỏ thiếc ở Tràng Đà, Chợ Đồn, Yên Bình. Đến năm 1936, sản lượng thiếc đã đạt tới 2.416 tấn/năm. Năm 1926, sản lượng kẽm đã đạt tới 62.000 tấn. Tới năm 1929, kẽm chiếm tới 9,7% trong tổng giá trị sản lượng ngành công nghiệp ở Đông Dương. Nhưng về sau, do giá kẽm trên thị trường thế giới giảm liên tục, nên việc khai thác kẽm sa sút dần. Một số nhà máy đã phải đóng cửa. Tiêu biểu là nhà máy kẽm Quảng Yên, một nhà máy tương đối lớn, có lúc sử dụng tới 700 công nhân, mà sự sa sút của nó đã làm cho cả thị trấn Quảng Yên trở nên trống vắng.

    Việc khai thác các kim loại khác, ngoài kẽm và thiếc, không có gì đáng kể: đó là những mỏ crôm, kền ở Thanh Hoá, mỏ bạc ở Ngân Sơn, mỏ đồng ở Vạn Tài, mỏ sắt ở Linh Nham và Na Dương. Mỏ vàng ở Bồng Miêu đã từng có thời kỳ Pháp khai thác được khoảng 100 kg/năm, nhưng sau một số năm thì vàng cạn kiệt, chi phí khai thác quá tốn kém, không có lãi, nên mỏ này cũng ngừng hoạt động.

    Quá trình thăng trầm của ngành khai thác mỏ gắn liền với tình hình tiêu thụ trên thị trường thế giới và tình hình chiến sự ở Đông Dương. Ngành khai thác tăng lên nhanh chóng vào sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất và đạt tới đỉnh cao là 18 triệu đồng tiền Đông Dương ($ ĐD) vào năm 1929. Nhưng sau đó, do khủng hoảng kinh tế thế giới, nó giảm sút nghiêm trọng, còn hơn một nửa. Đến cuối thập kỷ 30 và đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, nó đạt lên đỉnh cao nhất, khoảng 30 triệu $ ĐD. Trước tình hình chiến sự ở Đông Dương, đặc biệt là sự khống chế của quân đội Nhật, việc khai thác mỏ của người Pháp cũng giảm sút nghiêm trọng, xuống còn 14 triệu $ ĐD năm 1944 và hơn 4 triệu $ ĐD năm 1945.

II. Công nghiệp vật liệu xây dựng và phục vụ giao thông

    Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và phục vụ giao thông ra đời tương đối sớm, cùng với ngành khai thác mỏ.

    Ở miền Nam, sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng không được thuận lợi, vì thiếu một trong những yếu tố rất quan trọng là than. Do đó, chỉ từ khi Pháp chiếm được Bắc kỳ thì ngành công nghiệp này mới phát triển mạnh. Cơ sở công nghiệp vật liệu xây dựng quan trọng đầu tiên là Nhà máy Xi măng Hải Phòng, do Công ty Xi măng Portland nhân tạo Đông Dương xây dựng năm 1894 với 4 lò quay. Nhà máy Xi măng Hải Phòng là một trong những nhà máy lớn nhất và xưa nhất ở Đông Dương. Khác với gạch, đá, vôi, vữa… xi măng và bê tông là yếu tố hoàn toàn mới trong các loại vật liệu xây dựng mà Pháp đưa vào Việt Nam. Nhờ đó, ngành xây dựng đã có những thay đổi rất lớn cả về chất lượng và phương pháp.

    Nếu việc sản xuất xi măng được tập trung trong một nhà máy rất lớn, thì ngành sản xuất gạch và ngói lại được phân tán hầu như ở tất cả các tỉnh miền Bắc và miền Trung, là những nơi có sẵn nguồn than đá và đất sét. Tuy nhiên, cũng có những nhà máy lớn, nổi tiếng và có phạm vi thị trường gồm nhiều tỉnh. Đó là các nhà máy gạch ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đáp Cầu, Biên Hoà…

    Để phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp, những nhà máy cơ khí vận tải cũng đã hình thành khá sớm. Điển hình là Nhà máy Bason. Đến khi tiến hành xây dựng hệ thống đường sắt và đường bộ, Pháp đã lập ra những nhà máy sửa chữa và chế tạo toa xe lửa ở Gia Lâm, Vinh, Sài Gòn, một số nhà máy lắp ráp và sửa chữa ô tô như các nhà máy Avia, Star ở Hà Nội…

III. Công nghiệp chế biến

    Công nghiệp chế biến của Pháp ở Việt Nam về cơ bản là công nghiệp chế biến nông sản và lâm sản.

    Trong công nghiệp chế biến nông sản, ngành xay xát lúa gạo chiếm vị trí quan trọng nhất và cũng ra đời sớm nhất. Nhà máy xay xát đầu tiên được xây dựng tại Chợ Lớn vào năm 1870. Mười lăm năm sau, tới năm 1885, khắp Nam bộ đã có tới 200 xưởng xay xát. Đi kèm với nó là các nhà máy dệt bao đay, sữa chữa máy móc, xe cộ, thuyền bè… để vận chuyển lúa gạo.

    Đi đôi với ngành công nghiệp xay xát, có ngành công nghiệp nấu rượu. Nhưng khác với xay xát, công nghiệp nấu rượu không nhằm mục đích xuất khẩu, cũng không nhằm mục đích phục vụ dân sinh nội địa, mà nhằm mục đích tài chính, tức là giải quyết nhu cầu ngân sách cho chính quyền đô hộ Pháp ở Đông Dương. Nấu rượu là độc quyền của chính quyền thuộc địa. Chỉ một hãng rượu Đông Dương tại Hà Nội đã xây dựng tới 4 nhà máy vào năm 1901, mỗi tháng dùng khoảng 3.000 tấn thóc để nấu rượu.

    Ngành công nghiệp đường cũng được Pháp rất chú ý. Đến năm 1923, Công ty tinh lọc đường đã xây dựng nhiều nhà máy sản xuất đường ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Đến năm 1938, sản lượng của nó đã lên tới 10.000 tấn.

    Trong ngành công nghiệp thực phẩm, Pháp còn xây dựng một số nhà máy bia khá lớn. Ở Nam kỳ, Hãng Victor Larue có tới 14 nhà máy. Ở Bắc kỳ, Công ty Bia Hommel đã xây dựng một nhà máy lớn ở Hà Nội, vừa sản xuất bia, vừa sản xuất nước đá và nước có ga.

    Ngành công nghiệp nhẹ lớn nhất của Pháp ở Việt Nam có lẽ là ngành công nghiệp dệt. Nhà máy dệt đầu tiên được xây dựng vào năm 1890, tại miền Nam. Đến năm 1900, A.Dadre và Dupré lập ra ở Nam Định một nhà máy dệt lớn, đứng hàng thứ 3 trong số 269 công ty vô danh các loại của Pháp, đạt lợi nhuận tới 52.000.000 FF năm 1939.

    Từ năm 1903, cũng đã xuất hiện ngành công nghiệp tơ lụa. Những nhà máy đầu tiên sản xuất lụa được lập ra ở Trung kỳ, chủ yếu ở Quảng Nam. Ở Bắc kỳ, cũng thời kì này, Dadre đã xây dựng một nhà máy tơ ở Nam Định. Tất cả những sản phẩm của nhà máy tơ lụa đều được xuất khẩu sang Pháp.

    Công nghiệp chế biến lâm sản được Pháp lưu ý từ đầu thế kỉ XX. Ba ngành quan trọng nhất thuộc lĩnh vực này là giấy, gỗ và diêm. Đến thập kỷ 30 của thế kỷ XX, ngoài việc phục vụ nhu cầu nội địa, sản xuất gỗ thành khí của Pháp đã xuất khẩu được một khối lượng đáng kể, chủ yếu cho các thị trường lân cận như Hồng Kông, Singapore, Nhật. Từ năm 1913, Pháp đã thành lập Công ty Giấy Đông Dương. Công ty này có hai nhà máy khá lớn: Nhà máy Giấy Việt Trì và Nhà máy Giấy Đáp Cầu, sản xuất nhiều loại giấy khác nhau, như giấy viết, giấy in báo, bìa carton,… Một lĩnh vực công nghiệp có ý nghĩa khá quan trọng thời đó là sản xuất diêm. Năm 1891, Pháp xây dựng một nhà máy sản xuất diêm đầu tiên ở Hà Nội, nhưng sản lượng chưa lớn. Đến năm 1897, Pháp lập một nhà máy diêm lớn hơn nhiều tại Bến Thuỷ (Nghệ An). Đến năm 1899, Schneider lập thêm một xưởng nữa ở Hà Nội. Từ đây chấm dứt sự lệ thuộc của Việt Nam vào diêm nhập khẩu

    Ngoài những lĩnh vực công nghiệp chủ yếu kể trên, Pháp còn mở một số ngành công nghiệp khác khác nữa, nhưng quy mô không lớn, vì nhu cầu của xã hội về các mặt hàng này còn thấp: Nhà máy sản xuất xà phòng ở Hải Phòng xây dựng năm 1899; Xưởng in của Schneider tại Hà Nội sử dụng 150 công nhân, cũng lập ra năm 1899; Các nhà máy thủy tinh, chủ yếu là làm kính và vỏ chai lập ra ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Sài Gòn mà dân ta thường gọi là “nhà máy chai”.

IV. Công nghiệp, thủ công nghiệp của người bản xứ

4.1. Công nghiệp

    Tuy những nhà công nghiệp Việt Nam phần lớn chỉ hoạt động trong công nghiệp chế biến, với những xí nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tỷ lệ nhỏ bé trong tổng số vốn đầu tư, trong sản lượng công nghiệp, số lao động sử dụng cũng rất ít, nhưng hoạt động của họ có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất, nó chiếm lĩnh một số lĩnh vực mà Pháp và Hoa kiều ít đặt chân tới, đó là sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ cho tầng lớp bình dân Việt Nam. Thứ hai, những hoạt động kinh doanh trong công nghiệp của người Việt Nam phần lớn được gửi gắm một yêu cầu chính trị và tinh thần: Thể hiện khả năng của người Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, giành lại chủ quyền kinh tế. Bởi vậy, phần khá lớn các nhà kinh doanh công nghiệp Việt Nam cũng đồng thời là những người có đầu óc dân tộc, yêu nước, có những hoạt động xã hội kèm theo.

4.2. Thủ công nghiệp

    Sự phát triển của công nghiệp Pháp đã không làm thay đổi bao nhiêu sự tồn tại và phát triển của các ngành thủ công nghiệp ở Việt Nam. Sức sống dai dẳng của lĩnh vực này có ba lý do:

    Thứ nhất, do sự hạn hẹp về đất đai, một bộ phận lao động và thời gian dư thừa của nông dân vẫn là một lợi thế để sản xuất những sản phẩm với giá rẻ, mà nhiều khi, sản phẩm công nghiệp của Pháp không thể cạnh tranh được. Theo thống kê của người Pháp, vào năm 1939, Việt Nam có khoảng 127.000 thợ thủ công, trong đó ngành dệt chiếm 42,6%, đan lát: 11,5%, ngành mộc: 6,8%. Cũng theo thống kê của Pháp, thủ công nghiệp chiếm khoảng 5% tổng giá trị sản lượng vào năm 1938.

    Thứ hai, những mặt hàng mà Pháp nhập từ chính quốc vào thuộc địa giá quá cao, phần lớn lại là dành cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Đa số dân cư không có khả năng tiêu thụ những mặt hàng của cả công nghiệp chính quốc lẫn công nghiệp thuộc địa. Do đó, một phần thị trường vẫn là nơi ngự trị của hàng thủ công nghiệp truyền thống.

    Thứ ba, trên một số lĩnh vực, do sức hấp dẫn về chất lượng và giá cả, thủ công nghiệp Việt Nam đã được Pháp khuyến khích và khai thác. Từ năm 1894, Pháp đã mở hẳn 5 gian trưng bày rất lớn của Đông Dương tại Hội chợ Lyon, trong đó mỗi xứ có một gian riêng. Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ của cả 3 miền Việt Nam như tơ lụa, mây đan, cói, thảm, sơn mài, thêu... đã gây được ấn tượng khá mạnh ở Pháp và một phần nào đó cả ở Tây Âu.

C. Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ

I. Thương mại

    Mức đầu tư của tư bản Pháp, từ 1924 đến 1939, vào ngành thương mại là 421 triệu france Pháp (FF), chiếm 5,6% tổng số đầu tư tư nhân Pháp. Số tư bản này hiện diện chủ yếu trong các lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu, mà trước hết là xuất, nhập khẩu với chính quốc và với các thuộc địa Pháp.

1.1. Xuất nhập khẩu

    Hoạt động thương mại của Pháp đã bắt đầu từ rất sớm, có lẽ cùng với các hoạt động truyền giáo, và có thể đi trước các hoạt động quân sự. Từ khi Pháp đặt được sự thống trị ở Việt Nam, ngoại thương ở đây mang một tính chất mới: không còn là sự buôn bán giữa một nước với một nước, mà là sự buôn bán của những người thực dân, trên một đất nước mà họ đô hộ, với chính quốc. Trong giai đoạn đầu, hoạt động thương nghiệp của Pháp chủ yếu tập trung ở các thương cảng: các tàu Pháp đem hàng vào bán, rồi thông qua các đại lý mua hàng để xuất khẩu.

1.2. Ba thứ thuế chuyên mãi của người Pháp

    Ngoài việc kinh doanh xuất nhập khẩu, Pháp thực hiện chế độ thuế chuyên mãi (Resgie financière) đối với 3 sản phẩm quan trọng là muối, rượu, thuốc phiện. Đây được xem là 3 thứ "công quản". Mục đích của “công quản” là nâng giá 3 mặt hàng này lên rất cao, rồi thông qua độc quyền, hoặc cưỡng bức tiêu thụ để thu tiền cho ngân sách.

    Cách kinh doanh theo lối độc quyền của chính phủ thực dân đã tạo ra nhiều lãi và đóng góp tới 60-70% tổng thu ngân sách. Ba thứ công quản là nguồn tài chính cơ bản của ngân sách chung. Chúng dựa trên sự tồn tại sinh lý của dân bản xứ để bòn rút họ: Một thói hư - thuốc phiện, một thói quen - rượu, một nhu cầu - muối.

1.3. Thương mại của người Hoa và người Việt

    Nói đến thương mại của người Hoa và người Việt thời Pháp, không thể không kể đến vai trò rất quan trọng của người Hoa. Họ đóng vai trò đáng kể trong việc nhập cảng và tiêu thụ nội địa. Về xuất khẩu, người Hoa chiếm phần lớn nhất trong việc thu gom, xay giã và xuất khẩu lúa gạo, mà trung tâm là Chợ Lớn, nơi qui tụ nguồn lúa gạo của toàn đồng bằng Nam bộ.

    Về nhập khẩu, người Hoa gần như độc quyền trong việc nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng từ Nhật Bản, Singapore, nhất là từ Hồng Kông và Thượng Hải, gồm vải vóc, thực phẩm, dụng cụ gia đình, nến, giấy, bút mực, diêm, giầy dép, quần áo... Đó là những thứ mà Pháp không có, hoặc có nhưng giá đắt hơn, do chí phí vận tải quá lớn.

II. Dịch vụ

    Công nghiệp dịch vụ được người Pháp dùng để chỉ những ngành như công nghiệp điện, nước… vì tại thời kỳ đó, nó phục vụ sinh hoạt nhiều hơn phục vụ sản xuất. Công nghiệp dịch vụ thời kỳ này phát triển tương đối chậm, lệ thuộc nhiều vào sự hình thành các đô thị.

x

x x

    Nhìn tổng quát sự phát triển công nghiệp và thương mại trong thời kỳ thuộc địa, có thể ghi nhận một vài kết quả sau:

    Công nghiệp trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã cung cấp một số sản phẩm và kỹ thuật mới, khác với những sản phẩm kỹ thuật truyền thống như: điện, xi măng, diêm, bia, xà phòng, thuốc lá, thuỷ tinh, ô tô, xe đạp, tàu điện, tàu hoả, một loạt sản phẩm cơ khí… Có một số sản phẩm không mới về tính chất, nhưng mới về qui trình sản xuất như: nước máy, giấy, vải, thuốc lá…

    Bước đầu trang bị một số khả năng kỹ thuật mà vào thời kỳ đó, có thể coi là hiện đại. Năng lực mới đó đã tạo ra một năng suất mới trong sản xuất và đời sống: kỹ thuật khai thác hầm mỏ, kỹ thuật chế biến lâm sản, tốc độ và chất lượng của giao thông liên lạc, kỹ thuật và chất lượng xây dựng…

    Công nghiệp đã góp phần mở rộng thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, một bộ phận dân cư trong nước, nhất là dân thành thị làm quen với những sản phẩm hiện đại phương Tây như điện, xà phòng, nước máy, thuốc lá, xi măng… Cũng nhờ công nghiệp mà một số ngành sản xuất cổ truyền như lúa gạo, cà phê, chè, gỗ... có khả năng mở rộng sản xuất, để bước đầu vươn ra thị trường quốc tế.

    Công nghiệp và kỹ thuật công nghiệp còn tạo ra một đội ngũ công nhân và kỹ thuật viên Việt Nam quen biết với kỹ thuật phương Tây.

    Tuy nhiên, nền công nghiệp Pháp ở Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều khiếm khuyết:

- Quá trình công nghiệp hoá tiến triển chậm. Cho đến 1931, trong tổng giá trị sản phẩm quốc nội của Đông Dương là 750 triệu $ ĐD, công nghiệp chỉ chiếm có 105 triệu $ ĐD, tức chỉ đạt 14%.

    Trong thập kỷ 30, công nghiệp đã có một bước tiến xa hơn: tăng gấp đôi so với những gì Pháp đã làm ở đây trong vòng 70 năm (1860-1930). Đến năm 1938, theo cách tính của Liên Hiệp quốc thì trong tổng sản phẩm quốc nội của Đông Dương (lên tới 1.014 triệu $ ĐD), công nghiệp chiếm 233,08 triệu $ ĐD, tức 22%. Tuy nhiên, nếu tính toàn bộ cả giai đoạn 80 năm, thì tỷ lệ đó không thể coi là một bước tiến dài.

- Đối với đời sống của dân cư thì ảnh hưởng thực tế của công nghiệp còn tiến triển ít hơn nữa. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân cư Việt Nam được hưởng những thành tựu của công nghiệp Pháp. Điện, nước máy, xà phòng, đường sắt, đường nhựa và điện tín vẫn còn xa lạ với nông thôn, người nghèo. Tính tới năm 1940, so với nước Pháp, lượng điện tiêu thụ trên đầu người chỉ bằng 1/107, lượng sắt thép sử dụng bằng 1/10.

    Nếu không xét về lợi ích người tiêu thụ, mà xét về lợi ích của bản thân công nghiệp, thì thấy công nghiệp thời đó có một khiếm khuyết lớn là sử dụng nhân công với giá quá rẻ mạt. Xét về tác dụng lâu dài, thì công nghiệp đã tạo ra một giới hạn quá chật hẹp cho chính nó. Tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng lượng hàng bán ra lại rất ít. Thí dụ như vào năm 1936, mức lương của một người lính khổ xanh là 4,5 $ ĐD/tháng, mức lương của người công nhân lao động bình thường là khoảng 5 $ ĐD/tháng. Nếu dùng lương đó để mua hàng công nghiệp thì thì 1 tháng lao động chỉ mua được 2 chiếc bút máy loại xoàng hoặc 30 quyển vở, và phải 5 năm mới có thể mua được một chiếc xe đạp. Mức lương đó không chỉ tuỳ thuộc vào trình độ và năng suất lao động, mà còn do thái độ kỳ thị đối với người dân bản xứ.

- Về thương mại, đặt trong hoàn cảnh phát triển mới, dù mang tính chất là sự buôn bán của những người thực dân trên một đất nước mà họ đô hộ với chính quốc, nhưng có sự tác động của tư bản phương Tây, thương nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mới, giao thương nhiều hơn, cạnh tranh gay gắt hơn, giúp dần hình thành thị trường hàng hoá và lớp thị dân mới ở Việt Nam.

    Nhờ sự giao thương mà lần đầu tiên, người Việt Nam được biết các sản phẩm tiêu dùng tân kỳ của phương Tây, như: dầu hỏa và đèn dầu hỏa, thuốc lá điếu, diêm, xà phòng, sữa bò, kính đeo mắt, ô che mưa nắng, giầy dép, kính lắp cửa, các đồ dùng thủy tinh,... Nhờ đó, cũng giúp làm thay đổi trong tiêu dùng nội địa.

    Nếu xét về tính cạnh tranh trong thương mại thời kỳ này thì hầu như không có, vì từ sau khi thiết lập được nền đô hộ ở Việt Nam, Pháp cũng đã thiết lập chế độ bảo hộ mậu dịch, dựng hàng rào thuế quan và áp dụng một số độc quyền có lợi cho hàng hoá Pháp.

Đăng nhập
Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương tỉnh Sơn La 
Địa chỉ: Khu trung tâm hành chính tỉnh - khu quảng trường tây bắc, thành phố Sơn La tỉnh Sơn La
Điện thoại: 0212.3852268 - Email: sct@sonla.gov.vn
Giấy phép xuất bản số: Số 31/GP-TTĐT ngày 04/9/2024 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Sơn La
Designed by VNPT
 Chung nhan Tin Nhiem Mang