Công tác văn thư, lưu trữ có vai trò quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi theo quy định, những tài liệu lưu trữ đều là bản gốc, bản chính, có giá trị pháp lý, có tính chất làm bằng chứng lịch sử. Chính vì ý nghĩa, tầm quan trọng to lớn đó, ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ, coi đây là công cụ để quản lý, điều hành đất nước.
Đã có rất nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước quy định về công tác công văn, giấy tờ. Công tác lưu trữ được ban hành, tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành văn thư, lưu trữ từ Trung ương đến địa phương từng bước được hoàn thiện.
Khởi đầu quy định về công tác văn thư lưu trữ là Thông đạt số 01C/VP ngày 03/01/1946 về công tác công văn giấy tờ do Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký, trong đó Người đã chỉ rõ: “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”, Người yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ban “chỉ thị cho nhân viên các sở phải giữ gìn công văn, tài liệu và cấm không được hủy bỏ các công văn, tài liệu ấy”, “Hồ sơ hoặc công văn không cần dùng sau này sẽ phải gửi về những Sở lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia giáo dục để tàng trữ”.
Sau một thời gian xây dựng bộ máy nhà nước, công tác văn thư lần đầu tiên được đề cập một cách có hệ thống trong Điều lệ về công tác công văn giấy tờ và công tác văn thư lưu trữ, ban hành kèm theo Nghị định số 142/CP năm 1963 của Chính phủ.
Từ đó đến nay, các quy định của pháp luật về công tác văn thư lưu trữ đã từng bước được hoàn thiện thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Pháp lệnh Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 30/11/1982;
Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia ngày 04/4/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 8/7/2004 về công tác Văn thư và đặc biệt là Luật Lưu trữ được Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Khóa XIII, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2012; Luật lưu trữ năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/205 với mục tiêu bảo vệ an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ quốc gia; nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân đối với việc bảo vệ, quản lý và sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia; thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, vướng mắc, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Luật Lưu trữ 2024 góp phần phát huy giá trị lưu trữ, lưu trữ điện tử, lưu trữ tư… thể hiện được “sứ mệnh” của lưu trữ là bên cạnh việc gìn giữ những tài liệu, tư liệu lịch sử quốc gia, còn nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, bảo đảm chức năng quản lý nhà nước về lưu trữ.
Hà Thị Thu Hoà – Văn phòng Sở