Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024
Sáng ngày 17/5, Cục Công Thương địa phương phối hợp với Sở Công Thương Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024 tại thành phố Hà Nội.
Tham dự Hội nghị gồm có các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo thành phố Hà Nội; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; Đại diện các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương; Sở Công Thương Hà Nội, các Sở, ngành liên quan; Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc; Đại diện Sở Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực Phía Nam.
(Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị)
Hội nghị đã thông qua báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực phía Bắc năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024. Lãnh đạo các Sở Công Thương các tỉnh trình bày tham luận, nêu một số tồn tại, khó khăn và đưa ra giải pháp khắc phục để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024 và hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025:
Một là, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Hai là, phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, phấn đấu đạt được các mục tiêu về sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung cao độ việc rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ theo thẩm quyền, đồng thời, kịp thời phản ánh với cấp trên những gì vượt thẩm quyền.
Ba là, tập trung triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Bốn là, chủ động cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Năm là, tập trung đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… trên kênh truyền thống và kênh thương mại điện tử. Rà soát, sắp xếp lại, cố gắng tạo điều kiện để thương hiệu Việt khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ, nâng năng lực của doanh nghiệp Việt, đạt được mục tiêu của hội nhập.
Sáu là, khẩn trương tập hợp kiến nghị đề xuất từ các doanh nghiệp, từ người sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện hữu. Đồng thời, đề xuất để đưa ra các cơ chế chính sách tạo đột phá, giải phóng nguồn lực trong xã hội, giải phóng nguồn lực các địa phương. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nội, hình thành, phát triển các doanh nghiệp đủ mạnh, độc lập, tự cường.